Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu


VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng thế nào tới báo chí

ai-bao-chi(1).gif

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh tế và xã hội. Trong lĩnh vực báo chí, AI cũng đang có ảnh hưởng đáng kể đến cách thức hoạt động, sản xuất và tiếp cận thông tin của các tờ báo. Từ việc tự động sản xuất nội dung đến phân tích dữ liệu và tương tác với độc giả, AI đang mang đến nhiều tiềm năng và thách thức cho ngành báo chí. Bài báo này sẽ đi vào chi tiết về tác động của trí tuệ nhân tạo đến báo chí và những cơ hội, thách thức mà nó đem lại cho ngành này.

cover-nestle-2.gif

Đoạn chapeau của bài báo này do chính công cụ Trí tuệ nhân tạo có tên ChatGPT viết ra, và biên tập viên đã không phải sửa bất cứ thứ gì, dù chỉ là một dấu phẩy. Bởi nó đã nói đủ hết ý tưởng mà người viết muốn chuyển tải, 100%.

Trên thực tế, không phải đợi đến khi ChatGPT gây sốt toàn cầu thì các công cụ trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào hoạt động sản xuất báo chí.

Ngay từ năm 2017, hãng Reuters đã sử dụng công cụ News Tracer có khả năng lọc hàng triệu dòng tweet để lọc những tin nóng dạng tiềm năng trên Twitter. Qua đó, hãng tin này sẽ khó lòng bỏ sót bất cứ sự kiện lớn nào như động đất, khủng bố... ở những nơi mà người sử dụng Twitter đăng tải. Từ đó, các phóng viên của hãng sẽ tiến hàng xác minh để kịp thời đưa thông tin nóng hổi đến với bạn đọc.

Video nhằm mục đích thử nghiệm của VietnamPlus

Chuyên gia Peter Bale, trưởng bộ phận Sáng kiến tòa soạn của INMA (Hiệp hội Truyền thông quốc tế) nhận định: "Trí tuệ nhân tạo đã chứng minh giá trị lớn của nó trong hoạt động báo chí dữ liệu, một số hình thức báo chí có tính lặp lại cao (rote journalism - như các bản tin thể thao hoặc báo cáo về thị trường chứng khoán), chưa nói tới việc phân tích các bộ dữ liệu khổng lồ trong báo chí điều tra hoặc các bài báo về y tế."

Điển hình như vụ "Panama Papers" đình đám, Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế IJCJ đã sử dụng một phần mềm để lọc 13,4 triệu trang tài liệu về các "công ty ngoài khơi." Nếu không có sự trợ giúp của AI, các phóng viên dù có đến '3 đầu 6 tay' cũng không thể thực hiện khối lượng công việc khổng lồ đến vậy trong một thời gian ngắn.

_black-illustrated-artificial-intelligence-and-robot-working-with-laptop-poster(1).gif

Chuyện dùng bot để viết tin cũng không phải là điều mới lạ như nhận định của chuyên gia Bale. Trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018, hãng tin địa phương Mitt Media ở Thụy Điển đã dùng bot "viết" khoảng 41.000 bài báo về các giải thể thao hạng thấp tại nước này, cũng như giúp tòa soạn tăng trưởng số thuê bao nhờ công nghệ cá nhân hóa thông tin.

Chẳng nói đâu xa, năm 2018, Báo điện tử VietnamPlus cùng công ty Infore cũng đã cho ra mắt Chatbot để tương tác với độc giả. Nhiều tòa soạn khác tại Việt Nam cũng đã dùng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video, bản tin podcast, hoặc phân phối tin tức trên mạng xã hội.

bao-dien-tu-vietnamplus-ra-mat-chatbot-ket-noi-voi-doc-gia.jpg

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc sử dụng AI vào hoạt động sản xuất báo chí  là một quy trình xử lý đã được thiết lập cẩn thận trong nhiều tòa soạn. Không nên nhầm lẫn những hệ thống AI này với khả năng đưa ra "các câu trả lời ngay lập tức" (chatbot), hay việc mô phỏng hoạt động báo chí của các công cụ AI mới nổi gần đây như ChatGPT. Song dường như các công cụ AI với khả năng tạo nội dung mới (generative AI) dần sẽ có thể hỗ trợ hoặc thay thế một số công việc trong hoạt động đưa tin và lập trình.

Do đó, dù thế nào thì ChatGPT vẫn tạo ra một cú hích đáng kể đối với ngành công nghiệp truyền thông, cũng như làm dấy lên những lo ngại về thách thức, mà cụ thể là vấn đề đạo đức báo chí. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem ChatGPT là gì.

cover-nestle-2-1-.gif
vna_potal_chatgpt_gan_nhu_co_the_vuot_qua_ky_thi_cap_phep_hanh_nghe_y_cua_my__6578098.jpg

Trí tuệ nhân tạo với khả năng tạo nội dung là gì?

Các hệ thống AI tạo nội dung mới (generative AI) là công nghệ dựa trên máy học. Thông qua hình thức máy học, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển trí tuệ nhân tạo thành những mô hình có thể “tự học hỏi” từ các mẫu dữ liệu sẵn có mà không cần sự chỉ đạo của con người.
Sau đó, các mô hình này sẽ tự tạo ra các câu trả lời sau khi đã xử lý một lượng thông tin khổng lồ, để tạo ra các mối quan hệ từ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Trong trường hợp của ChatGPT, LLM của AI này được cho là 45 terabyte dữ liệu văn bản.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là một giao diện chatbot do công ty OpenAI sáng tạo ra để giới thiệu tiềm năng của AI tạo nội dung mới, với khả năng trả lời và sắp xếp các câu từ mạch lạc cho các câu hỏi phức tạp, cho một bài báo hoặc một đoạn mã phần mềm. OpenAI cũng đã phát hành công cụ tạo ra hình ảnh dựa trên AI mang tên Dall-E. Đây là hai công cụ đang thịnh hành ở thời điểm này.

CocaCola là nhãn hàng đi đầu trong việc sử dụng AI để tạo TVC quảng cáo

Ai sở hữu ChatGPT?

OpenAI là một tổ chức nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco, hoạt động dưới sự bảo trợ của một tổ chức phi lợi nhuận và sở hữu một công ty vì lợi nhuận, để kiếm tiền từ những sản phẩm họ nghiên cứu ra.

Tổ chức này được thành lập vào năm 2015 bởi một nhóm người gồm có Sam Altman (hiện là Giám đốc điều hành của OpenAI và nguyên chủ tịch Y-Conbinator), Reid Hoffman (nhà sáng lập Linkedln), Jessica Livingston (nhà sáng lập Y-Combinator), Elon Musk (PayPal, Tesla, Space-X, Twitter), Ilya Sutskever (nhà khoa học máy tính và khoa học gia trưởng tại OpenAI), Peter Theil (PayPal, Palantir Technologies và Founders Fund). Bên cạnh đó, Microsoft cũng đầu tư vài tỷ USD vào OpenAI.

.

cover-nestle-2-2-.gif

Trong một cuộc hội thảo gần đây của Hiệp hội Truyền thông Tin tức Quốc tế (INMA), các diễn giả đã chỉ ra những lợi ích mà ChatGPT đem lại cho các tòa soạn. Theo đó, ChatGPT chỉ có thể phát huy tác dụng một cách tối đa nếu người dùng đưa ra những lời gợi ý và câu mệnh lệnh rõ ràng.

ChatGPT trong marketing

ChatGPT có thể được sử dụng để lên ý tưởng, lập kế hoạch và tối ưu hóa một chiến dịch. Nếu bạn đang chạy một chiến dịch, thì ChatGPT là công cụ hữu ích để nghiên cứu từ khóa (keyword), tạo văn bản quảng cáo (ad text) và xây dựng trang đích (landing page). Nó cũng có thể cho bạn ý tưởng về cách phân tích trang web của đối thủ cạnh tranh.

Một công cụ AI cho phép chọn người mẫu ảo

Lợi ích của ChatGPT so với các phương pháp marketing truyền thống là rất lớn. Nó giúp tiết kiệm thời gian, khám phá những ý tưởng mới và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động thú vị của marketing, đồng thời tự động hóa các tác vụ có thể ít thú vị hơn.

ChatGPT trong tòa soạn

Việc tích hợp ChatGPT vào các toà soạn vẫn còn hơi hạn chế, đặc biệt khi chúng ta coi nó như một công cụ sáng tạo. Các bài báo đang được sử dụng như một nguồn dữ liệu để đào tạo các thuật toán ChatGPT và về cơ bản chúng đang nuôi sống ChatGPT. Vai trò của ChatGPT là trở thành trợ lý của một biên tập viên AI (trí tuệ nhân tạo).

Cách sử dụng khác liên quan tới ChatGPT chủ yếu liên quan đến hoạt động tiền xử lý (chẳng hạn như lên ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu ban đầu trước khi viết một câu chuyện) và xử lý hậu kỳ (chẳng hạn như tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắt và tối ưu hóa một câu chuyện).

tin-chung-khoan.jpg
Bản tin chứng khoán ngày 13/3 do ChatGPT thực hiện

Thời gian tiết kiệm được, thông qua việc sử dụng ChatGPT đúng cách trong hoạt động tiền xử lý và xử lý hậu kỳ khi bài viết được xuất bản, có thể được dùng để nghiên cứu bài viết sâu hơn và mang lại chất lượng nội dung tốt hơn.

ChatGPT đôi khi vẫn mắc lỗi, vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng ChatGPT không hoàn hảo và không bỏ qua việc kiểm tra thông tin (fact-check).

ChatGPT cho nhóm sản xuất

Vai trò của ChatGPT trong nhóm sản xuất chủ yếu liên quan đến việc lên ý tưởng và nghiên cứu, với tiềm năng thay thế Google trong tương lai. Vì bộ phận sản xuất thường chịu trách nhiệm đưa ra những ý tưởng mới, nên việc hội ý với ChatGPT cũng có thể là một ý tưởng hay.

dark-purple-and-white-futuristic-trading-robot-instagram-post.png
cover-nestle-2-3-.gif
vna_potal_microsoft_tuyen_bo_mo_ra_ky_nguyen_moi_trong_linh_vuc_tim_kiem_truc_tuyen_6575045.jpg

Cá nhân hóa nội dung

Theo Chris Petitt, Giám đốc Marketing của Zephr, một trong những công ty hàng đầu về cổng thanh toán thuê bao kỹ thuật số, cá nhân hóa đang trở thành yếu tố cốt yếu mang lại thành công đối với các tòa soạn.

Theo INMA, một nghiên cứu gần đây cho thấy 77% gen Z (thế hệ gắn liền với chiếc điện thoại di động) tin rằng điều quan trọng đối với các doanh nghiệp B2C (doanh nghiệp hoạt động bán hàng hướng đến người dùng) là tùy chỉnh tương tác, có thể tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân. Do đó, nhiệm vụ của các tòa soạn là sử dụng AI để phân tích dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích, mối quan tâm của độc giả. 

Với những số liệu này, chúng ta có thể hiểu tại sao cá nhân hóa lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc của mình, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc.

du-lieu.jpg
VietnamPlus thu thập dữ liệu độc giả, thông qua công nghệ của công ty Insider

Nói một cách nôm na, một bạn đọc có sở thích về thể thao và công nghệ sẽ không hài lòng nếu mở trang báo mà thấy ngập tràn các tin tức chính trị hay giải trí, và ngược lại. Do đó, cá nhân hóa đang là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, thông qua công nghệ tự động hóa tùy biến trang tin, hay qua newsletter hoặc dịch vụ đẩy tin tức (web-push, mobile-push).

Nhưng để có thể thành công với chiến lược này, tòa soạn cần phải hiểu độc giả của mình là ai, và đây là lúc dữ liệu sẽ lên tiếng. Những chiến lược cá nhân hóa tiên tiến nhất đòi hỏi dữ liệu từ người dùng. Theo Chris Petitt, việc lập hồ sơ người dùng cập nhật dần dần (progressive profiling) mang đến phương pháp thu thập thông tin người dùng theo cách thức tích tụ từ từ, giúp xây dựng lòng tin của bạn đọc mà không mang lại cảm giác xâm phạm. Người dùng nên được thông báo về việc dữ liệu của họ đang được thu thập và có quyền từ chối. 

Từ cơ sở dữ liệu thu thập được, AI sẽ vào cuộc. "AI có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng đối với hoạt động cá nhân hóa, bằng cách sử dụng thuật toán để phân tích lượng lớn dữ liệu và tự động đưa ra dự đoán về loại nội dung mà một người dùng cụ thể có thể sẽ quan tâm," Patter cho hay.

Tuy nhiên, việc phát triển cá nhân hóa cũng gặp trở ngại do các tòa soạn thiếu kỹ năng hay khó áp dụng giải pháp AI vào cơ sở hạ tầng hiện có. Muốn bổ sung kỹ năng hay công nghệ cần thiết thì lại tốn kém.

Song theo Patter, các tòa soạn bắt đầu sớm hơn, dù chỉ bằng các công cụ giản đơn cũng có khả năng giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Phát triển thuê bao kỹ thuật số

Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc dùng AI để phát triển thuê bao đọc báo trả phí là từ tờ West Australian. Tờ báo 190 tuổi này đã triển khai việc thu phí để đọc nội dung chất lượng cao vào tháng 11/2021 dựa trên nền tảng Sophi.

Sophi tiến hành việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên mỗi bài viết ngay khi chúng được xuất bản, tiếp đó dự báo xem liệu bài viết này có thể mang tới thêm nhiều doanh thu quảng cáo hoặc doanh thu đăng ký nội dung trả phí hay không. Cuối cùng, Sophi đề xuất cho các biên tập viên việc nên khóa (để thu phí) hoặc mở khóa những bài viết nhất định.

Tầm quan trọng của cá nhân hóa với báo chí (khảo sát của WAN-IFRA):

Tới tháng 8/2022, các biên tập viên của West Australian đã trao hoàn toàn cho Sophi quyền định đoạt về việc nội dung nào nên được thu phí, bởi có các bằng chứng cho thấy nó đưa ra các quyết định đúng đắn, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ lượt xem sang lượt đăng ký trả phí, mà không làm loãng thương hiệu tin tức của tờ báo.

"Các tòa soạn vẫn thường tin tưởng rằng họ có thể ra quyết định tốt hơn các thuật toán," Tổng biên tập tờ West, ông Anthony de Ceglie, cho biết. "Sự thật thì Sophi là một công cụ tuyệt vời, một đòn bẩy khác mà chúng tôi có thể dựa vào để thu lấy kết quả tốt nhất cho độc giả của mình."

Với Sophi, tờ West đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng người đăng ký nội dung trả phí, khi so sánh với phương pháp ra quyết định truyền thống.

ideas_feb23_sonali_ai_paywall-1.jpg
Sophi giúp West Australian tăng trưởng mạnh số thuê bao

David Johns, biên tập viên online của báo, cho biết: "Từ gần 3.900 bài báo Sophi đề nghị khóa lại thành nội dung trả phí, chúng tôi đã tiến hành khóa khoảng 2.500 bài. Chúng tôi có được 40 lượt đăng ký nội dung trả phí mới từ các bài này - chỉ trong có 10 ngày. Ở chiều ngược lại, trong số 1.800 bài báo Sophi đề nghị mở khóa cho đọc miễn phí, chúng tôi đã chọn giữ lại gần 800 bài để thu phí. Nhưng số bài này chỉ mang lại cho chúng tôi 1 lượt đăng ký trả phí mới."

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy sự gia tăng về lượt đăng ký dựa trên những nội dung mua lại từ các hãng tin (wire content), những sản phẩm tin tức mà các biên tập viên thường không bao giờ đưa vào sau tường phí.

"Những gì Sophi đã làm là loại bỏ sự phỏng đoán ra khỏi hoạt động ra quyết định khóa hoặc mở khóa các bài báo," ông Johns nói.

Điều này đã mở đường cho việc ra quyết định hoàn toàn dựa trên thuật toán. "Không phải người của chúng tôi ra quyết định kém hơn Sophi. Nhưng nó cho chúng tôi thấy rằng đôi khi chúng ta có thể dựa vào AI nhiều hơn hình dung và thậm chí có thể tự động hóa cả quy trình. Và khi chuyển sang chế độ hoàn toàn tự động, chúng tôi vẫn thấy sự tiếp nối của các kết quả tốt đã thu được trong giai đoạn đầu hoạt động (thu phí nội dung)".

cover-nestle-2-4-.gif

Cho đến giờ, giới chuyên gia vẫn bị chia rẽ về lợi ích và tác hại của việc đưa AI vào hoạt động sản xuất báo chí, rằng yếu tố nào sẽ ảnh hưởng lớn hơn. Nhưng dù thế nào thì một cuộc chiến giữa các gã khổng lồ đã được khơi mào kể từ khi ChatGPT ra mắt.

Theo chuyên gia Bale của INMA, nếu như trước đây các tòa soạn phải học cách hiểu những thuật toán của Google Search thì giờ đây, họ sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Hoạt động trích dẫn nội dung và nguồn, vốn đã được xem là một vấn đề lớn đối với những người sáng tạo nội dung, đang có xu hướng trở thành một chiến địa giữa các nhà xuất bản, các công ty cổ súy cho hoạt động tìm kiếm dựa trên AI và các nhà điều phối cùng các chính trị gia, những cá nhân thường chậm phản ứng với các thay đổi mang tính cơ bản về công nghệ.

violation-detect.png
Một công cụ AI không cho phép người dùng tạo ra video deepfake với hình ảnh của nhân vật nổi tiếng

Mô hình hiện tại của ChatGPT hầu như không có sự trích dẫn hay thông tin rõ ràng nào cho thấy nguồn gốc của tài liệu chứa trong các câu trả lời (đúng một cách kỳ lạ) mà nó mang tới cho người dùng.

Sản phẩm tìm kiếm Bing dựa trên trí thông minh nhân tạo của OpenAI mà Microsoft vừa giới thiệu gần đây cũng đã gắn với một số trích dẫn nguồn và liên kết trở lại với người tạo nội dung gốc. Nhưng nó sẽ không hề giống với hệ thống mà Google Search đã thể hiện và giúp trả lại hàng tỷ lượt xem cho các trang web xuất bản gốc. 

Trong bản trình diễn tính năng AI của Bing, kết quả hiển thị có sử dụng những trích dẫn được đánh số, cho phép người dùng đào sâu tới tận trang web có chứa câu trả lời thực tế mà AI đã sử dụng - một cấu trúc giống với bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nhưng vẫn ít sự rõ ràng hơn (so với Google Search).

screenshot_9.png

Nhưng hãy thử hình dung, lần cuối cùng bạn lần ngược trở lại một nguồn thực tế khi xem thông tin từ Wikipedia là khi nào?

Wikipedia không phải là một nguồn theo đúng nghĩa, mặc dù nó thường được sinh viên và những người khác trích dẫn. Trên thực tế, Wikipedia là một hệ thống chắt lọc thông tin dựa vào các tình nguyện viên là con người, chứ không phải trí tuệ nhân tạo, với một bộ sưu tập các nguồn hỗ trợ — tất cả đều được xác định rõ ràng, trích nguồn và gắn liên kết trở lại tài liệu gốc hoặc chủ sở hữu tài liệu.

Chuyên gia Bale đã hỏi Jimmy Wales, người đồng sáng lập Wikipedia, rằng ông nghĩ như thế nào về ChatGPT và so sánh nó với Wikipedia. Jimmy trả lời: “Do ChatGPT không thực sự 'hiểu' bất cứ điều gì, nên nó có thể không thực sự 'biết' đã học được điều gì đó ở đâu, hoặc ngược lại nó có biết. Tôi vừa cảm thấy kinh ngạc trước mức độ tốt của ChatGPT, những cũng vừa thất vọng vì thấy có lúc nó tệ như thế nào.”

pho-thin-chatgpt.png
ChatGPT tự "bịa" ra một tin tức liên quan đến vụ tranh chấp thương hiệu Phở Thìn (Thử nghiệm của VietnamPlus)

“Do ChatGPT không thực sự 'hiểu' bất cứ điều gì, nên nó có thể không thực sự 'biết' đã học được điều gì đó ở đâu, hoặc ngược lại nó có biết. Tôi vừa cảm thấy kinh ngạc trước mức độ tốt của ChatGPT, những cũng vừa thất vọng vì thấy có lúc nó tệ như thế nào.”

Jimmy Wales, đồng sáng lập Wikipedia

Công cụ Perplexity.ai, xây dựng trên một phiên bản của ChatGPT, đem tới một ví dụ tốt về một công cụ tìm kiếm dựa trên AI và hiểu rõ giá trị của việc trích dẫn nguồn trông sẽ như thế nào, thông qua việc thể hiện rõ thương hiệu và đường dẫn tới các nguồn tin lớn như Reuters, NPR hoặc các nhà xuất bản đáng tin khác, bên cạnh các nguồn tin chính thức và của chính phủ.

Nhưng phần lớn các tài liệu mà nhiều mô hình AI có khả năng tạo nội dung mới đã tiếp cận hoặc "tiêu hóa" đều vướng vào nhiều vấn đề liên quan tới bản quyền, điều khoản sử dụng, tính chính xác cũng như việc trả phí.

Khảo sát của INMA cho thấy có rất ít sự trao đổi giữa các nhà phát triển AI với các tòa soạn, và một số sản phẩm có thể đã được tung ra thị trường mà không qua cân nhắc thấu đáo. Điều đó đặt ra dấu hỏi về tính chính xác của thông tin cũng như vấn đề khác thuộc về phạm trù đạo đức báo chí.

Trong danh sách các câu hỏi thường gặp, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft thừa nhận rằng AI của nó có thể đưa ra những câu trả lời mà bạn có thể gọi là không đáng tin cậy. "Bing đặt mục tiêu đưa ra tất cả các câu trả lời dựa vào nguồn tin cậy. Nhưng AI cũng có thể mắc lỗi và nội dung của bên thứ ba đưa lên Internet có thể không phải lúc nào cũng chính xác hoặc đáng tin cậy. Bing đôi khi sẽ trình bày sai thông tin mà nó tìm thấy và bạn có thể thấy các phản hồi nghe có vẻ thuyết phục nhưng thực tế không đầy đủ, không chính xác hoặc không phù hợp. Hãy sử dụng phán đoán của riêng bạn và kiểm tra kỹ lại thông tin thực tế, trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động dựa trên các phản hồi của Bing.”

ai-war.jpg
Cuộc chiến giữa các công cụ AI đã bắt đầu

Các tòa soạn trên toàn thế giới đã phàn nàn trong nhiều năm về sự không rõ ràng trong cách thức hoạt động của thuật toán tìm kiếm Google — điều được họ coi là sự mất cân bằng quyền lực.

Họ cũng ngày càng phản đối việc các kết quả tìm kiếm của Google có thể chứa toàn bộ câu trả lời mà người dùng cần. Họ cho rằng điều này sẽ khiến lưu lượng tìm kiếm từ Google Search tới trang web của nhà xuất bản gốc sẽ ít dần đi, điều mà các chuyên gia gọi là những câu trả lời “không nhấp chuột”. Một khi bất cứ câu hỏi gì cũng đã được Google Search trả lời tường tận thì người đọc sẽ việc gì phải mất công click vào đường dẫn để đọc?

Tuy nhiên, những câu hỏi liên quan tới Google Search - công cụ tìm kiếm đang thống trị hiện nay - tỏ ra mờ nhạt trước các vấn đề mà những công cụ tìm kiếm dựa trên AI sắp mang tới.

Ví dụ, mọi người đều hiểu rằng Open AI đã thu thập một kho ngữ liệu khổng lồ từ Internet — phần lớn trong số đó là tài liệu có bản quyền từ các nhà xuất bản trên toàn cầu. Hoạt động này có thể chấp nhận được khi kho dữ liệu được dùng cho mục đích thử nghiệm hoặc phi thương mại. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi Bing cố gắng trình bày các câu trả lời bắt nguồn từ kho nội dung đó và thu được những lợi ích tài chính.

INMA dẫn lời một tổng biên tập cho biết: “Đó sẽ là khởi điểm cho làn sóng lo ngại tiếp theo xuất hiện. Các nhà xuất bản như chúng tôi cần một nguồn doanh thu bền vững để trở thành một phần của dịch vụ (tìm kiếm dựa trên AI).”

Rõ ràng là Microsoft muốn đưa khoản lợi nhuận mà Google đang kiếm được từ công cụ tìm kiếm Google Search vào tầm ngắm, chứ không phải là lợi nhuận dành cho các nhà xuất bản tạo ra tin gốc. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella chia sẻ với Financial Times rằng mô hình tìm kiếm dựa trên AI sẽ vĩnh viễn cắt bỏ phần lợi nhuận thu thu được từ hoạt động kinh doanh tìm kiếm, thay đổi cơ bản hoạt động kinh tế của toàn ngành.

Lịch sử từng chứng kiến nhiều gã khổng lồ công nghệ đã sụp đổ. 

“Kể từ giờ trở đi, (tỷ suất lợi nhuận gộp) của hoạt động tìm kiếm sẽ giảm mãi mãi,” Nadella chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, nói rõ rằng ông tin Google và công ty mẹ Alphabet dễ bị tổn thương hơn do các sản phẩm mang lại doanh thu của họ khá hạn hẹp. "Lợi nhuận từ hoạt động tìm kiếm chỉ là một phần nhỏ với chúng tôi. Nhưng Google thì không thế. Họ phải dồn hết sức để bảo vệ khoản lợi nhuận này."

Thế nên, cũng chưa thể đưa ra được những dự đoán là cuộc chiến giữa các gã khổng lồ công nghệ sẽ mở ra viễn cảnh nào đối với báo chí thế giới, trong bối cảnh mà ngành truyền thông ngày càng bị lệ thuộc vào các "Big Tech".

“Không có nguồn tin tức, tình trạng hỗn loạn sẽ xuất hiện,” INMA kết luận trong một bài nhận định trên blog vào tháng 3/2023. Các chiến tuyến đang được vẽ ra và thay đổi nhanh chóng. Các tòa soạn buộc phải bắt kịp cuộc chơi.

Để kết thúc bài viết, xin được trích lại một câu nói của chủ tịch Polaris Media (Na Uy) Bernt Olufsen trong một buổi chia sẻ tại TTXVN cách đây vài năm. "Công nghệ đem lại cho báo chí nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đem tới cả những thách thức mà chúng ta chưa từng đối mặt."

fakenews-chatgpt.png

Chỉ đạo sản xuất: Hoàng Nhật

Biên tập: Võ Hoàng Long

Tổng hợp: Trang Linh, Khánh Linh, Hà Anh

Thiết kế: Robot

Ảnh/video: INMA, D-ID, ChatGPT, Canva, AFP/TTXVN, Poynter

In bài viết
THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
☎️ 0243.201.1061   ☎️ 0927890588
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

      

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 75
Trong ngày: 217
Trong tuần: 648
Lượt truy cập: 594195
Loading...