Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu


VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Dự án 'vũ trụ ảo' nở rộ ở Việt Nam

Các dự án blockchain phát triển theo hướng metaverse xuất hiện nhiều ở Việt Nam từ đầu năm nay, trong xu hướng xây dựng vũ trụ ảo của thế giới.

Một trong những dự án nổi tiếng liên quan tới vũ trụ ảo là Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất mọi thời đại do người Việt đứng sau. Trên bảng xếp hạng của CoinMarketCap, Axie là dự án đứng đầu trong danh sách tiền kỹ thuật liên quan đến metaverse, với giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD.

Ngoài Axie, nhiều dự án blockchain khác của kỹ sư Việt như Faraland, Sipher, Elpis Battle, Meta Spatial... cũng đang trong quá trình để trở thành metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng metaverse. Một số nhận được đánh giá cao từ cộng đồng, gọi vốn thành công hàng triệu USD từ các quỹ nước ngoài.

Ví dụ, Meta Spatial đã gọi vốn hàng triệu USD từ quỹ đầu tư lớn như Animoca Brands, LD Capital, Mexc... để phát triển nền tảng cho phép trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, và các nhà phát triển khác có thể xây dựng metaverse trên nền tảng này. Tuần trước, dự án Sipher cũng nhận đầu tư 6,8 triệu USD để xây dựng trò chơi World of Sipheria, trong đó tạo ra một nền kinh tế tự do cho các game thủ, trao cho cộng đồng quyền sở hữu tài sản trong game.

"Sipher xây dựng dựa game dựa trên nền kinh tế P2E (Play to Earn - chơi để tạo ra thu nhập). Chúng tôi tin thể loại metaverse game (trò chơi vũ trụ ảo) sẽ khai phá một giới hạn mới về kinh tế, nơi người dùng có thể thu về phần thưởng khi dành thời gian và sáng tạo trong game", nhà đầu tư Michael Arrington của Arrington Capital nói.

Người dùng có thể tạo nhân vật của riêng mình và thực hiện các hoạt động trong vũ trụ ảo. Ảnh: MetaSpatial
 

Người dùng có thể tạo nhân vật của riêng mình và tham gia vũ trụ ảo. Ảnh: MetaSpatial

Hầu hết dự án metaverse tại Việt Nam phát triển từ sau cơn sốt NFT đầu năm nay. Theo ông Ngô Cường, CTO của Meta Spatial, ý tưởng về một thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực đã có từ lâu, và các công nghệ thực tế ảo AR, VR, MR, XR giúp đưa ý tưởng này đến gần hơn với con người. Tuy nhiên, chỉ khi ứng dụng blockchain, metaverse mới có thể trở thành một vũ trụ thực sự.

Metaverse là gì

Hiện chưa có một khái niệm thống nhất về metaverse do thuật ngữ này bao quát cả một "vũ trụ ảo" rộng lớn. Metaverse lần đầu xuất hiện năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash của nhà văn Neal Stephenson, mô tả không gian trực tuyến, nơi con người tương tác với nhau bằng một bản thể ảo.

Dù thế giới ảo vẫn luôn tồn tại cùng với sự ra đời của Internet, nhưng mọi người không thể di chuyển giữa các nền tảng khác nhau do không xác định được danh tính và tài sản trực tuyến của họ. Trong khi đó, metaverse biến thế giới ảo thành một thực thể liền mạch, thống nhất. Tim Sweeney, CEO Epic Games, hình dung đó là một sân chơi trực tuyến xuyên suốt, nơi người dùng cùng bạn bè chơi trò chơi, xem phim, mua sắm, đi lái thử một chiếc xe mới được chế tạo y hệt như trong đời thực... mà không gặp rào cản về sự tách biệt giữa các dịch vụ.

Để làm được điều đó, metaverse cần sự hỗ trợ của blockchain - công nghệ nền tảng cho tiền điện tử và NFT, cho phép người dùng định danh cũng như giao dịch tài sản ảo, mua vé cho sự kiện ảo...

"Nhờ ứng dụng của blockchain, cụ thể là NFT, chúng ta định nghĩa được tính duy nhất của mỗi cá nhân hay tài sản trên thế giới đó. Đây là yếu tố quan trọng của metaverse, trong khi các công nghệ trước đây không làm được", ông Ngô Cường nói. "Blockchain tạo ra một thị trường giúp các tài sản ảo có giá trị thật như tiền kỹ thuật số, NFT, ngoài ra còn giúp định danh người dùng, để mỗi cá nhân sẽ là duy nhất như ngoài thế giới thực".

Dù cùng hướng đến metaverse, cách tiếp cận của các dự án blockchain khác với cách tiếp cận của Facebook. Tại sự kiện Connect 21 diễn ra tuần trước, CEO Meta Mark Zuckerberg mô tả về một không gian ba chiều, nơi mọi người nhập vai vào thế giới ảo qua công nghệ VR, AR, thực hiện những công việc tương tự ngoài thế giới thực như gặp gỡ, học hỏi, làm việc và giải trí.

Trong khi đó, với các dự án blockchain hiện nay, metaverse được biết đến nhiều hơn ở việc sở hữu một nền kinh tế trong game, nơi người dùng có thể làm việc, kiếm tiền và quy đổi ra tiền thật.

Những mảnh đất trên metaverse của Axie có giá quy đổi lên đến hàng triệu USD.

Những mảnh đất trên metaverse của Axie có giá quy đổi lên đến hàng triệu USD.

Ví dụ với trò chơi Axie, "nhân vật" chính là thú ảo, có thể chiến đấu và kiếm về đồng SLP. Nhà phát triển mới đây còn tạo ra các "mảnh đất" trên không gian ảo có tên Lunacia để người chơi làm nơi ở cho nhân vật, khai thác tài nguyên, mua bán lại và thu về tiền kỹ thuật số, có thể quy đổi ra tiền thật. Một số mảnh đất trên Axie đang được định giá 10.000 ETH, tương đương 40-50 triệu USD.

Các chuyên gia trong lĩnh vực blockchain nhận định, metaverse thường được dùng để mô tả một hệ sinh thái, nơi người dùng tìm thấy mọi thứ trong đời thực như trải nghiệm, tương tác, sáng tạo trong một không gian chung, có tính bền vững cao.

Theo CoinMarketCap, không có định nghĩa thế nào là một dự án metaverse, tuy nhiên có thể xác định điều này qua năm yếu tố: Tính bền vững - không gian ảo liên tục phát triển dù có người dùng kết nối và tương tác hay không; Thời gian thực - các trải nghiệm của người dùng diễn ra theo thời gian thực; Nền kinh tế - metaverse cần có một nền kinh tế với đầy đủ chức năng, đặc biệt là tiền tệ dựa trên blockchain để giao dịch vật phẩm; Cầu nối với thế giới thực và Nội dung mở - nội dung do chính người dùng tạo ra. Dự án blockchain có một trong các yếu tố trên là đủ để tham gia metaverse.

"Metaverse không phải là xu thế nhất thời mà sẽ trở thành tương lai của con người. Metaverse hoàn toàn có thể thay thế các ứng dụng của Internet ngày nay, như mạng xã hội, video call. Đó là khi con người sẽ kết nối với nhau không phải trên mạng xã hội mà trên thế giới ảo", ông Ngô Cường nói.

Lưu Quý - vnexpress.net

In bài viết
THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
☎️ 0243.201.1061   ☎️ 0927890588
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

      

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 84
Trong ngày: 126
Trong tuần: 562
Lượt truy cập: 594077
Loading...