Các diễn giả tham dự phiên tọa đàm 2 |
Ngày 25/10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững ̣(MSD) – United Way Việt Nam, Làng Sáng tạo Mở Xã hội TECHFEST 2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Đổi mới sáng tạo Mở và doanh nhân công nghệ (OITI) tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo gắn liền ESG – Kinh doanh bền vững”.
Hội thảo có sự hỗ trợ tài chính của Shinhan Square Bridge Việt Nam và là một sự kiện trong Ngày Đổi mới sáng tạo Mở – Open Innovation Day 2023. Sự kiện thúc đẩy giao lưu về ESG trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, chia sẻ thực hành tốt của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hướng đến các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, tạo tác động xã hội, vì cộng đồng.
ESG, viết tắt của Environmental, Social, và Governance hay Môi trường, Xã hội và Quản trị, đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong mô hình hoạt động của các doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách doanh nghiệp được quản lý, mà còn đến cách họ tương tác với xã hội và môi trường. Dựa trên các nguyên tắc ESG, ngoài yếu tố về lợi nhuận, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mô hình hoạt động được triển khai một cách bền vững, đối xử công bằng với nhân viên và cộng đồng, đồng thời bảo vệ môi trường. ESG không chỉ là về đạo đức kinh doanh mà còn liên quan đến khả năng sinh tồn và tăng trưởng dài hạn. Các nhà đầu tư, cả những cá nhân và tổ chức, ngày càng tập trung vào ESG khi đánh giá các cơ hội đầu tư và quản lý rủi ro.
Chính vì vậy, hội thảo “Đổi mới sáng tạo gắn liền ESG – Kinh doanh bền vững” – sự kiện khai mạc cho Ngày Đổi mới sáng tạo Mở 2023 – được tổ chức nhằm thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng mô hình quản lý tích hợp với các yếu tố ESG. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là nơi định hướng và giải đáp những thắc mắc về cơ hội và thách thức trong việc thực hiện ESG cho các doanh nghiệp. Thông qua những trao đổi về ESG, nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới việc khuyến khích phát triển xu thế kinh doanh bền vững được kì vọng.
Hội thảo vinh dự có sự tham dự của Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC, Bộ Khoa học & Công Nghệ; ông Sun Sukkun, Giám đốc dự án, Shinhan Square Bridge, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan; ông Sung Sup Ra, Phó Tổng Giám đốc và Phó Trưởng nhóm, Văn phòng Tổng Giám đốc ADB và Trưởng Nhóm, Nhóm Lĩnh vực; bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD United Way Việt Nam, Trưởng Làng Sáng tạo Mở Xã hội; bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn; ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG - Dịch vụ Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam; và các chuyên gia về ESG, đại diện các doanh nghiệp và hơn 300 đại biểu tham dự.
Các diễn giả tham dự tọa đàm 1 |
Những nguyên tắc ESG đang nổi lên hàng đầu trong cuộc trò chuyện trên toàn cầu, nhấn mạnh tính quan trọng của việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bền vững trong dài hạn. Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự nhận thức gia tăng về ESG và khả năng để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong phần phát biểu tổng quan chào mừng của mình, ông Sung Sup Ra, Phó Tổng Giám đốc và Phó Trưởng nhóm, Văn phòng Tổng Giám đốc ADB và Trưởng Nhóm, Nhóm Lĩnh vực đã chia sẻ nhận định của mình về các thách thức mà hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang gặp phải, đồng thời đưa ra các giải pháp tiếp cận chính để thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách thành công, như sự hợp tác toàn diện giữa nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các viện, trường v.v.
Ông Sung Sup Ra – Phó Tổng Giám đốc và Phó Trưởng nhóm, Văn phòng Tổng Giám đốc ADB và Trưởng Nhóm, Nhóm Lĩnh vực phát biểu tổng quan chào mừng
Tại Việt Nam, Shinhan Square Bridge Việt Nam là một trong những mô hình thực nghiệm tiên phong tận dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp xuyên biên giới nhằm giúp công dân kết nối với các nguồn lực sẵn có và cơ hội mới để thành công trong tương lai. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng quy mô và phát triển bền vững. Ông Sun Sukkun – Giám đốc dự án Shinhan Square Bridge, Tập đoàn Tài chính Shinhan đã có phần chia sé về các nỗ lực của tập đoàn Tài chính Shinhan trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào mô hình đổi mới sáng tạo mở, với doanh nghiệp RE:harvest là một ví dụ thành công điển hình trong mô hình Living Lab đang được thực hiện trong khuôn khổ dự án Shinhan Square Bridge tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD - United Way Việt Nam, trưởng làng Sáng tạo Mở Xã hội Techfest chia sẻ ESG hiện nay đã thành xu hướng và là giải pháp dài hạn để tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bà lưu ý rằng ESG có ít nhất 2 yếu tố Xã hội và Môi trường là những khái niệm rộng, nằm ngoài sự kiểm soát và nỗ lực của doanh nghiệp, chính vì thế việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan đa dạng để cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề và thúc đẩy ESG là vô cùng cần thiết, trong đó ngoài các mối quan hệ truyền thóng, bà Linh gợi ý doanh nghiệp nên hợp tác với các đối tác NGOs, Viện trường, và các nhóm cộng đồng để ESG được thực hiện thực chất, hiệu quả. Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở sẽ là giải pháp, cách tiếp cận mở cánh cửa cho doanh nghiệp không chỉ đóng cửa giải quyết các vấn đề của mình mà còn tận dụng được sự đổi mới sáng tạo, các sáng kiến và nguồn lực vô hạn từ các bên liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp, startups, viện trường, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách của nhà nước, v.v. Bà Linh chia sẻ “Đừng nghĩ ESG chỉ là một từ đẹp đẽ, một khẩu hiệu hay là 1 nỗ lực để doanh nghiệp làm đẹp báo cáo gửi tới các nhà đầu tư và khách hàng, nếu thực hiện nghiêm túc, ESG chính là 1 giải pháp để gắn kết trong chiến lược kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Cũng đừng đợi trở thành doanh nghiệp lớn mới đầu tư vào ESG mà hãy đầu tư vào ESG để lớn".
Sự kiện gồm hai phiên toạ đàm sau đó về Định hướng đổi mới sáng tạo mở giữa cơ quan nhà nướ và doanh nghiệp và sự hợp tác đa phương trong việc thực hành ESG trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở với các diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế.
Các diễn giả tham dự phiên tọa đàm 2: Thúc đẩy tiến bộ bền vững: Đổi mới sáng tạo mở đáp ứng các thực tiễn ESG. Từ trái sang: Ông Hồ Anh Tùng – Đại diện Liên Minh Tăng Trưởng Xanh SAIGONTEL, Giám đốc quốc gia Allotrope Partners Vietnam; ông Nguyễn Hoàng Nam – Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG - Dịch vụ Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam; Ông Hồ Việt Hải – Đồng sáng lập & Giám đốc Kinh doanh, Alternō (điều phối); bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam; ông Gil Yehiel Shaki – Nhà sáng lập InnoValue và Giám đốc Tăng trưởng tại Capital Nature (ĐSQ Israel), Cựu Giám đốc Cấp cao về Năng lượng, Bền vững & Cơ sở hạ tầng tại Cơ quan Đổi mới Israel (IIA)
Hội thảo khép lại với thông điệp: Sự đoàn kết hợp tác đa phương đa ngành, tinh thần Đổi mới sáng tạo Mở Xã hội theo xu hướng thực hành các nguyên tắc ESG là tiền đề tiên quyết cho kinh doanh bền vững, đồng thời đảm bảo giải quyết các thách thức xã hội vì sự phát triển bền vững. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Ngày Đổi mới sáng tạo Mở – Open Innovation Day 2023 trong 02 ngày 25 – 26/10/2023 để khai thác các khía cạnh của những lĩnh vực cụ thể hơn trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở và tìm hiểu sự đóng góp, tác động lẫn nhau của các chủ thể, hướng tới một nền nền kinh tế Việt Nam bền vững và phát triển.