Mới đây, thông tin Trường THCS Đặng Thai Mai (Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) thực hiện tuyển thẳng với học sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là IELTS đã thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia giáo dục. Cụ thể, năm học 2023-2024, Trường THCS Đặng Thai Mai đã tuyển thẳng 35 học sinh vào lớp 6. Trong đó, có học sinh đạt IELTS 6.5, nhiều em đạt 4.0 - 6.0. Ngoài ra, các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác (TOEIC, TOEFL ITP, TOEFL iBT, TOEFL Primary) cũng đều được quy đổi ra điểm IELTS để xét tuyển.

Nên trả lại giá trị thực của chứng chỉ IELTS. (Ảnh minh họa).

Còn tại Hà Nội, theo tìm hiểu, năm học 2023 - 2024, có khá nhiều trường THPT cũng thực hiện tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Có thể kể đến các trường như: Trường THCS-THPT Đoàn Thị Điểm xét tuyển thẳng vào lớp 10 đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên; Trường liên cấp Tiểu học - THCS - THPT Archimedes Đông Anh tuyển thẳng vào lớp 10 với thí sinh đạt 5.5 IELTS trở lên; Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) tuyển thẳng lớp 10 với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm IELTS từ 5.5 trở lên; Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) tuyển thẳng học sinh có IELTS từ 5.0 trở lên; Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên...

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, với hình thức xét tuyển như trên, để được có được chứng chỉ IELTS đáp ứng tiêu chuẩn tuyển thẳng, học sinh buộc phải tập trung học, luyện thi IELTS từ rất sớm, thậm chí từ năm học lớp 3, lớp 4. Trong khi ở bậc phổ thông, nhất là với bậc tiểu học, THCS, còn có nhiều nội dung kiến thức, nhiều kỹ năng quan trọng khác mà học sinh cần biết, cần học. Vì vậy, không nên chỉ dựa vào riêng chứng chỉ IELTS để chứng minh tất cả năng lực, kỹ năng cần thiết trong một kỳ tuyển sinh đầu cấp... Nói cách khác, dùng IELTS làm tiêu chí để tuyển thẳng học sinh đầu cấp THCS, THPT là không hợp lý.

Bên cạnh đó, mỗi kỳ thi được thiết kế ra nhằm một mục đích riêng và chỉ nên được sử dụng cho mục đích đó. Kỳ thi IELTS được tạo ra nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh để nhập cư hoặc để học đại học, cao học ở một nước nói tiếng Anh. Điều này hoàn toàn khác với mục đích xét tuyển học sinh vào các lớp học đầu cấp THCS, THPT. Việc nhầm lẫn mục đích của 2 kỳ thi này sẽ đưa đến những hệ lụy tiêu cực đối với người học.

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Phùng Thùy Linh (giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Anaheim), Chủ nhiệm Chương trình tiếng Anh cho sinh viên quốc tế của Đại học Chatham (Mỹ); người sáng lập Eduling International (tổ chức cung cấp các lớp học, tài liệu, và dịch vụ phát triển tiếng Anh), cho rằng, IELTS là kỳ thi đánh giá trình độ tiếng Anh nói chung thông qua đánh giá 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đây là kỳ thi thường được sử dụng cho mục đích nhập cư đến Anh, Úc, Canada, và New Zealand cũng như khi xin việc hay xin học ở các nước nói tiếng Anh. Độ tuổi phù hợp cho kỳ thi này là 16 tuổi trở lên, nên việc chuẩn bị thi IELTS khi còn là học sinh cấp 1 hay thậm chí đầu cấp 2 của học sinh là không phù hợp.

Đồng tình với quan điểm nói trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng, ngoại ngữ là một công cụ rất quan trọng, tuy nhiên, nếu để trở thành tiêu chí xét tuyển thẳng đối với học sinh trong kỳ tuyển sinh đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) là chưa phù hợp. Nếu có thì chứng chỉ IELTS chỉ nên là tiêu chí để ưu tiên đối với các lớp chuyên Anh trong các trường chuyên. Bởi nếu dùng IELTS để xét tuyển thẳng vào các trường công lập không chuyên thì sẽ không đảm bảo sự công bằng, vì cơ hội tiếp cận không bình đẳng giữa các học sinh. Nếu học sinh không phải xét tuyển vào lớp chuyên Anh, thì các em còn rất nhiều kiến thức, kỹ năng khác phải học, phải đáp ứng chứ không chỉ riêng ngoại ngữ.

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(Ảnh: Nguyệt Anh).

Ở góc nhìn cụ thể hơn, với kinh nghiệm gần 10 năm dạy IELTS, chị Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm Tiếng Anh ITN IELTS) chia sẻ, IELTS là viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Chứng chỉ IELTS có giá trị trong 2 năm. Trang web chính thức của Hội đồng Anh (1 trong 2 đơn vị được phép cấp chứng chỉ IELTS trên thế giới) ghi rõ: IELTS General dành cho những ai đi học bậc phổ thông, đi làm, thực tập hay nhập cư ở các quốc gia nói tiếng Anh; IELTS Academic dành cho những ai mong muốn theo học ở các trường đại học các cơ sở giảng dạy bằng tiếng Anh. Như vậy, bản chất IELTS rất nặng về học thuật với bài đọc dài 2-3 trang giấy liên quan đến hàng loạt từ chuyên ngành, các bài viết về các vấn đề nghị luận xã hội quy mô nhà nước, chính phủ,... Vì vậy, IELTS hoàn toàn không phù hợp với học sinh THCS hay học sinh tiểu học.

“Mặt khác, chúng ta đều biết tiếng Anh là công cụ. Tiếng Anh không ngang hàng với khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Điều cần nhất đối với học sinh bậc tiểu học, THCS là các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, là kỹ năng sống,… Vì vậy, cá nhân tôi không ủng hộ việc một số trường THCS, THPT tổ chức tuyển thẳng các lớp đầu cấp với học sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đặc biệt là IELTS”, chị Trang nhấn mạnh thêm.

Có thể thấy, liên quan đến hình thức tuyển thẳng các lớp đầu cấp với học sinh có chứng chỉ IELTS của một số trường THCS, THPT đang tồn tại nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn. Phải thừa nhận, cùng với sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ đưa đến nhiều cơ hội cho mọi người. Đây cũng là một lợi thế lớn đối với các em học sinh ở các cấp học. Song, không vì thế mà chúng ta tuyệt đối hóa tiếng Anh, quá coi trọng IELTS và bỏ quan những môn học nền tảng khác.

Đặc biệt, tuyển sinh đầu cấp học là nội dung quan trọng, đòi hỏi phải có cách làm khoa học, phù hợp; phải đánh giá kiến thức của học sinh một cách toàn diện, bao gồm cả kiến thức ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,… Do vậy, các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ phương thức tuyển sinh các lớp đầu cấp, nhất là việc tuyển thẳng các lớp đầu cấp với những học sinh có chứng chỉ IELTS.

Thiết nghĩ, trong tuyển sinh các lớp đầu cấp, các cơ sở giáo dục nên có chính sách ưu tiên, cộng điểm, giảm học phí, tặng học bổng đối với những em có các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL ITP, TOEFL iBT, TOEFL Primary,… thay vì tuyển thẳng như một số trường đang thực hiện. Qua đó, vừa động viên, khuyến khích học sinh tích cực học ngoại ngữ, vừa bảo đảm tính khoa học, toàn diện cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Đồng thời, đó cũng là cách để chúng ta trả lại giá trị thực cho chứng chỉ ngoại ngữ nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng, tránh trào lưu “chạy đua” luyện thi IELTS ở một số địa phương trong thời gian vừa qua. Đừng “thần thánh hóa” IELTS.

 
TL