Theo Nghị quyết số 119 Chính phủ ký ban hành ngày 1/8, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giao về UBND TP Hà Nội. Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp nhận về tổ chức, hoạt động, các nhiệm vụ, dự án đầu tư công...
Theo Nghị quyết, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục sử dụng kinh phí và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho đến khi có quyết định điều chỉnh.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ quý II, bà Phạm Thị Vân Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết việc chuyển giao không làm gián đoạn hoạt động của Ban Quản lý cũng như tác động đến khu công nghệ cao.
Từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1: năm 2008). Hiện nay, Khu thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch chung (lần 2, năm 2016) đến năm 2030.
Khác với các khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và khu chức năng. Quy mô dân số theo dự báo đến năm 2030 là 229.000, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300. Đến tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410 ha.
vnexpress