Nhiều thí sinh khi tìm hiểu các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội không phân biết được và không biết nên chọn Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính hay Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Cao Tuấn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội:
Ở Việt Nam, Công nghệ thông tin là ngành học đào tạo về sử dụng phần mềm, hệ thống máy tính, công cụ và hệ thống mạng Internet. Từ đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp biết cách lập trình để quản lý thông tin, vận hành các hệ thống thiết bị công nghệ, hệ thống mạng hay cơ sở dữ liệu.
Với cách hiểu này, Công nghệ thông tin giống như ngành học rộng. Thực tế không nhiều trường trên thế giới đào tạo ngành mang tên Công nghệ thông tin. Để phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp từ đầu, đi sâu vào chuyên môn, một số trường, trong đó có Bách khoa Hà Nội, mở các ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Khoa học máy tính là ngành cơ bản nhất trong các lĩnh vực liên quan đến Công nghệ thông tin. Hầu hết đại học danh tiếng thế giới đào tạo ngành này.
Khoa học máy tính, nôm na là về phần mềm, liên quan đến lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop và thiết bị cá nhân thông minh), sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin nói chung.
Học ngành này, sinh viên sẽ có kiến thức về phát triển phần mềm, xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển các giải pháp tích hợp nhằm cung cấp các hệ thống thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, phát triển và tối ưu các giải thuật tính toán, các phương pháp và hệ thống tính toán song song, tính toán phân tán, xử lý dữ liệu lớn, các kỹ thuật và phương pháp phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy...
Kỹ thuật máy tính hiểu đơn giản là lai giữa Khoa học máy tính (phần mềm) và Kỹ thuật Điện - Điện tử (thiên về phần cứng). Ngành này hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm.
Khi học ngành này, sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, cách làm phần cứng, và làm thế nào để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống thống nhất để giải quyết một vấn đề thực tiễn.
Ví dụ trong việc phát triển camera thông minh truyền hình ảnh về trung tâm dữ liệu, kỹ sư phải làm phần cứng (tích hợp các mô-đun thu nhận ảnh, mô-đun vi xử lý, mô-đun truyền thông), viết phần mềm thu nhận hình ảnh, xử lý hình ảnh và truyền về trung tâm. Những yêu cầu này phù hợp với một người tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính.
Những kiến thức sinh viên được học khi theo ngành này liên quan đến mạng máy tính, truyền dữ liệu (làm thế nào để dữ liệu truyền từ máy này đến máy kia hiệu quả), và đặc biệt là an toàn thông tin (bảo mật, chống tấn công mạng...), cũng như một phần kiến thức quan trọng về xử lý tín hiệu, điện tử số, ghép nối...
Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo là chương trình đào tạo chuyên sâu, được tách từ Khoa học máy tính do sự bùng nổ của Internet và các hệ thống thu thập dữ liệu trong thời gian gần đây.
Ngay năm nhất, sinh viên được trang bị các kiến thức toán đặc thù của ngành như xác suất - thống kê. Ở giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được đào tạo tập trung vào các mảng chuyên môn của lĩnh vực như AI, học máy, học sâu, các phương pháp/kỹ thuật nhận dạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, xử lý dữ liệu lớn, cũng như các kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng như: phân tích kinh doanh (BA), trí tuệ kinh doanh (hoặc có thể dịch là kinh doanh thông minh, BI)...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành các chuyên gia phát triển các hệ thống, công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như các chuyên gia ứng dụng các công nghệ này trong các lĩnh vực khác.
Nói cách khác, sinh viên tốt nghiệp không những làm việc cho các công ty về công nghệ thông tin, mà còn làm việc tại mọi tổ chức có nhu cầu khai thác dữ liệu như tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, phân tích thị trường, tư vấn - dự báo - hoạch định chính sách...
Dưới đây là ví dụ thể hiện công việc của người theo học ba ngành trên:
Trong dự án "Hệ thống giám sát, điều hành xe bus trong đô thị", sinh viên Kỹ thuật máy tính sẽ viết phần mềm chạy trên thiết bị giám sát hành trình để lấy vị trí từ chip GPS, ảnh từ camera và gửi về máy chủ.
Sinh viên Khoa học máy tính sẽ viết phần mềm quản lý xe, hiển thị dưới dạng trang web, để người điều hành xe lên kế hoạch chạy xe cho các tài xế.
Sinh viên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tập hợp dữ liệu giao thông, phân tích nhu cầu hành khách, sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để đưa ra phương án điều hành xe tự động và tối ưu, ví dụ: trời nắng/mưa, ngày lễ, ngày cao điểm, nên dồn xe cho các tuyến nào thì sẽ đáp ứng nhu cầu hành khách tốt nhất.
Điểm chuẩn ba ngành này ở Bách khoa Hà Nội ba năm qua và dự đoán năm nay như sau:
TT | Ngành | Điểm chuẩn | |||
Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Dự báo năm 2023 | ||
1 | Khoa học máy tính | 29,04 | 29,43 | - | 27,5+ |
2 | Kỹ thuật máy tính | 25 | 28,1 | 28,29 | 27,5+ |
3 | Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo | 28,65 | 28,01 | - | 27,5+ |
Về học phí, dự kiến năm học tới, học phí ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính là khoảng 26-29 triệu đồng. Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo là chương trình chất lượng cao nên học phí cao hơn, trung bình khoảng 58 triệu đồng cho năm học tới.
Bài và ảnh Vnexpress