VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY
Ngày 05/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2019/NĐ-CP ngày 06/11/2009. Văn bản nêu trên và các văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý cho việc lập dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nội dung cơ bản của lập dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
1. Xác định các trường hợp phải lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT
Hình 1: Mô tả các trường hợp phải lập dự án đầu tư ứng dụng CNTT
Theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, trường hợp đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn chi đầu tư phát triển hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu đều cần phải lập dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Phân loại dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
Hình 2: Phân loại dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
3. Nội dung của dự án đầu tư ứng dụng CNTT
Nội dung của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm:
- Sự cần thiết đầu tư;
- Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
- Phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn quy mô hợp lý; xác định phân kỳ đầu tư; lựa chọn hình thức đầu tư;
- Phân tích các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư;
- Phương án tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng dự án;
- Đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường;
- Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
- Dự kiến tiến độ thực hiện dự án; các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư;
- Xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn;
- Xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác dự án;
- Tổ chức quản lý dự án, bao gồm xác định chủ đầu tư, phân tích lựa chọn hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án, mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án;
- Phân tích hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khả năng thu hồi vốn đầu tư (nếu có);
- Thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết (trong trường hợp thiết kế 1 bước) là một phần của dự án;
- Đánh giá sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
- Phân tích, lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, trong đó có phân tích, lựa chọn phương án bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan; yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc giải pháp nâng cấp hệ thống bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu có các nội dung liên quan hoạt động trên môi trường Internet;
- Thuyết minh thiết kế cơ sở/thiết kế chi tiết của phương án chọn.
4. Nội dung chính của thiết kế cơ sở
- Yêu cầu thiết kế cơ sở:
+ Phải phù hợp với chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt và tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành;
+ Phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng;
+ Phải thể hiện được các thông số chủ yếu, chức năng, tính năng chính;
+ Phải bảo đảm xác định được tổng mức đầu tư.
- Nội dung chính phần thuyết minh:
+ Mô tả các yêu cầu của dự án;
+ Danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng;
+ Thuyết minh mô hình tổng thể, mô hình lô-gic, mô hình vật lý của hệ thống hoặc các thành phần của hệ thống (nếu có), đưa ra các hạng mục đầu tư chính của dự án theo phương án đã chọn bảo đảm thể hiện được các kết nối bên trong, bên ngoài, đường truyền (nếu có) của hệ thống và tính toán (sizing) thông số kỹ thuật cơ bản, số lượng thiết bị;
+ Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, thiết bị và các yêu cầu về kỹ thuật; khối lượng sơ bộ công tác đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành và các công tác khác có liên quan;
+ Mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ.
- Nội dung chính phần sơ đồ sơ bộ:
+ Các tài liệu về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện khác; sơ đồ sơ bộ xây lắp, lắp đặt (đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện);
+ Sơ đồ sơ bộ thể hiện việc kết nối, liên thông với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan.
- Nội dung chính của thiết kế cơ sở đối với các hạng mục hoặc dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại bao gồm:
+ Danh mục thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại và các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị;
+ Thống kê khối lượng các thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại.
5. Tổng mức đầu tư dự án: Là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư của dự án, là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư dự án.
- Nội dung tổng mức đầu tư bao gồm:
+ Chi phí xây lắp: Chi phí mua sắm, lắp đặt mạng, phụ kiện mạng công nghệ thông tin và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng; Các chi phí xây lắp trực tiếp khác có liên quan.
+ Chi phí thiết bị: Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin: Thiết bị phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị không phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị phụ trợ và thiết bị ngoại vi, phần mềm thương mại, phần mềm nội bộ và các thiết bị khác; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; thuế và các loại phí liên quan để mua sắm thiết bị; Chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hóa, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; Chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm; Chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có); Chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có).
+ Chi phí quản lý dự án: gồm các chi phí để tổ chức thực hiện quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa sản phẩm của dự án vào khai thác sử dụng và chi phí giám sát, đánh giá đầu tư dự án;
+ Chi phí tư vấn đầu tư: Chi phí khảo sát; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật; điều tra, nghiên cứu phục vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật, tuyển chọn giải pháp; thẩm tra tính hiệu quả và tính khả thi của dự án đầu tư; lập thiết kế chi tiết, điều chỉnh, bổ sung thiết kế chi tiết; lập dự toán; điều chỉnh dự toán; thẩm tra thiết kế chi tiết, dự toán; lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và chi phí phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu; lập định mức, đơn giá; kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị; đánh giá chất lượng sản phẩm; quy đổi vốn đầu tư; giám sát công tác triển khai; thực hiện các công việc tư vấn khác;
+ Chi phí khác: phí và lệ phí; bảo hiểm (trừ chi phí bảo hiểm thiết bị quy định tại điểm b khoản này); kiểm thử hoặc vận hành thử; kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; lắp đặt và thuê đường truyền; lệ phí đăng ký và duy trì tên miền; chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin; chi phí thẩm định giá và các chi phí đặc thù khác;
+ Chi phí dự phòng: chi phí dự phòng trượt giá trong thời gian thực hiện dự án, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có). Trường hợp dự án được triển khai trên phạm vi nhiều địa điểm khác nhau hoặc ở nước ngoài, các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được tính thêm chi phí di chuyển thiết bị và lực lượng lao động. Các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nếu chưa có quy định về định mức hoặc chưa tính được ngay thì được tạm tính để đưa vào tổng mức đầu tư.
- Tổng mức đầu tư được tính toán và xác định trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở.
Trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật, dự toán được lập thay cho tổng mức đầu tư.
- Phương pháp xác định Tổng mức đầu tư:
+ Tính theo thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó: Chi phí xây lắp được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế cơ sở, các khối lượng khác dự tính và giá vật tư, thiết bị, dịch vụ phù hợp trên thị trường; Chi phí thiết bị được tính theo số lượng, chủng loại thiết bị phù hợp với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giá thiết bị trên thị trường và các yếu tố khác liên quan (nếu có); Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp; Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư và chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc tạm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây lắp, chi phí thiết bị;
Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ mới, việc xác định các chi phí thuộc tổng mức đầu tư được phép căn cứ theo báo giá thị trường (nếu có).
+ Tính trên cơ sở số liệu của các dự án có chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật tương tự đã thực hiện. Khi áp dụng phương pháp này phải tính quy đổi các số liệu của dự án tương tự về thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh các khoản mục chi phí chưa xác định trong tổng mức đầu tư cho phù hợp;
+ Kết hợp hai phương pháp trên.
6. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (không bao gồm dự án quan trọng quốc gia) sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư
Kết luận
Nội dung, trình tư, hồ sơ lập dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản tuân thủ theo các quy định về lập dự án đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định 40/2020/NĐ-CP và Nghị định 73/2019/NĐ-CP, bên cạnh đó có yêu cầu thuyết minh rõ hơn sự tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử cũng như thuyết minh phân tích, lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị... để phù hợp hơn với tính chất của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nguyễn Trung Kiên
https://aita.gov.vn/lap-du-an-dau-tu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-1