VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Việt Nam hội nhập với ASEAN (Dùng cho các lớp bồi dưỡng công tác thông tin đối ngoại cơ sở)

 

 1608052075702

VIỆN ỨNG DỤNG

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

VIỆT NAM HỘI NHẬP VỚI ASEAN

 

 

(DÙNG CHO CÁC LỚP BỒI DƯỠNG

CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI Ở CƠ SỞ)

 

 

 

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

 

  1. HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ

        1.1. Khái niệm nhập quốc tế

          Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu.  Hội nhập diễn ra dưới nhiều hình thức, cấp độ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, theo tiến trình từ thấp đến cao. Hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị của thế giới nói chung, của một quốc gia nói riêng. Vì vậy nó tác động đến văn hóa chính trị.

Hội nhập quốc tế, tiếng Anh là “international integration”, là một khái niệm được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị học, quan hệ quốc tế và kinh tế quốc tế, ra đời từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hội nhập quốc tế nghiên cứu các hình thức, quy mô, tính chất các mối quan hệ tương tác, liên kết, hợp tác, liên minh với nhau giữa các quốc gia trong từng lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng hoặc trong tất cả các lĩnh vực.

Có các cách tiếp cận khác nhau về hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận thể chế: Coi trọng kết quả của hội nhập bằng sự hình thành các thể chế (kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…). Trong lúc đó cách tiếp cận thứ hai, coi trọng quá trình hội nhập. Hội nhập quốc tế được xem xét quá trình phát triển các hình thức liên kết, liên minh, thâm nhập lẫn nhau giữa các quốc gia, các khu vực, các lĩnh vực…và quá trình đó đã đạt được mục tiêu hội nhập gì.

Từ thập niên của những năm chín mươi thế kỷ XX, ở Việt Nam, thuật ngữ “Hội nhập kinh tế quốc tế” được sử dụng để nói về quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và các thể chế kinh tế quốc tế khác.

Có thể nói, kết quả về mặt thể chế của hội nhập quốc tế ngày nay rất đa dạng, trên khắp các lĩnh vực của đời sống, trên khắp các châu lục, tác động đến toàn thế giới, từ Liên hợp Quốc, các công ước khu vực, các hiệp định thương mại tự do, các liên minh chính trị, các hiệp ước an ninh tập thể.... Quá trình hội nhập quốc tế đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu của thế giới ngày nay, không loại trừ bất kỳ quốc gia nào.  Ví dụ: Liên hợp quốc với hàng trăm các tổ chức con của nó và các Công ước của Liên hợp quốc, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EC), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Thị trường chung Trung Mỹ (CACM), Cộng đồng Caribê và Thị trường chung (CARICOM), Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) v.v...

Mặc dầu vậy, cho đến nay vẫn không có một định nghĩa “hội nhập quốc tế” nhận đực sự ủng hộ hoàn toàn. Mặc dầu vậy vẫn có những nội hàm chung để hiểu hội nhập quốc tế. Đó là, thứ nhất, “hội nhập quốc tế” là sự tham gia vào các tổ chức, các thể chế quốc tế và khu vực. Thứ hai, “hội nhập quốc tế” là sự tham gia của các chủ thể trong một quốc gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế, với quyền lợi nghĩa vụ, trách nhiệm được thỏa thuận.

Từ các cách tiếp cận trên có thể coi “Hội nhập quốc tế là quá trình các quốc gia tham gia vào các hoạt động quốc tế chung, tuân thủ những luật chơi chung, dưới nhiều hình thức, quy mô và mức độ khác nhau, như các tổ chức và định chế quốc tế, nhằm tăng cường sự gắn kết, hợp tác, liên minh, chia sẻ các giá trị, lợi ích, nguồn lực; nhờ đó làm tăng các cơ hội phát triển của mình.[1]

1.2. Nội dung của hội nhập quốc tế

- Hội nhập kinh tế quốc tế

Đây là quá trình gắn kết các nền kinh tế của từng nước với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa nền kinh tế theo những hình thức khác nhau, từ đơn phương, đến song phương, tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế có thể diễn ra theo nhiều mức độ, như: Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), Khu vực mậu dịch tự do (FTA), Liên minh thuế quan (CU), Thị trường chung, Liên minh kinh tế-tiền tệ, cho đến tham gia các chế định quốc tế như WTO, WB, IMF…

Tùy theo nhu cầu và năng lực, mỗi quốc gia có thể tham gia vào hội nhập kinh tế ở các mức độ và hình thức khác nhau. Nhìn chung, các quốc gia tham gia vào quá trình hội nhập đều theo một quá trình từ thấp đến cao, từ nông đến sâu, là một quá trình thỏa thuận và cam kết giữa các bên liên quan. Nhờ quá trình này, Hội nhập quốc tế không chỉ đáp ứng được nhu cầu các bên, mà nhờ các sáng kiến các bên làm phong phú, vững chắc thêm các thỏa thuận và cam kết chung.

  • Hội nhập chính trị

Hội nhập về chính trị là quá trình các nước tham gia vào các cơ chế quyền lực tập thể (giữa hai hay nhiều nước) nhằm theo đuổi những mục tiêu nhất định và hành xử phù hợp với các luật chơi chung. Hội nhập chính trị thể hiện mức độ liên kết đặc biệt giữa các nước, trong đó họ chia sẻ với nhau về các giá trị cơ bản (tư tưởng chính trị, ý thức hệ), mục tiêu, lợi ích, nguồn lực và đặc biệt là quyền lực. Một quốc gia có thể tiến hành hội nhập chính trị quốc tế thông qua ký hiệp ước với một hay một số quốc gia khác trên cơ sở thiết lập các mối liên kết quyền lực giữa họ (hiệp ước liên minh hay đồng minh) hoặc tham gia vào các tổ chức chính trị khu vực (chẳng hạn như ASEAN, EU) hay một tổ chức có quy mô toàn cầu (chẳng hạn như Liên Hiệp quốc)[2]. Bất kỳ sự hội nhập quốc tế nào, các chủ thể độc lập đều phải “nhượng” một phần chủ quyền, để “góp” vào chủ quyền chung và tự nguyện tuân thủ chủ quyền chúng đó. Việc “được” hay “mất” trong hội nhập quốc tế là bài toán không có duy nhất một đáp số. Khi gia nhập WTO, một quốc gia có chủ quyền độc lập có thể phải mất quyền đánh thuế đến hàng ngàn dòng thuế. Nhưng đổi lại, quốc gia đó có thể có những phán quyết về thuế đối với tất cả các quốc gia thành viên, mà số lượng dòng thuế có thể lớn hơn khi đang là một quốc gia độc lập có quyền phán quyết. Hội nhập chính trị, đòi hỏi các quốc gia phải có cam kết nhiều điều khoản liên quan đến chủ quyền chính trị, tự theo đuổi giá trị chính trị, đến các chuẩn mực chính trị, các hành vi của các cơ quan quyền lực nhà nước. Ví dụ, các nước tham gia các Công ước chính trị của Liên hợp quốc, phải thừa nhận không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tuyên truyền, sản xuất vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt, tôn trọng nhân quyền, phòng chống tham nhũng; thực hiện các cam kết về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo bệ môi trường…Nếu quốc gia thành viên không thực hiện cam kết, phải chịu các biện pháp trừng phạt.

  • Hội nhập an ninh-quốc phòng

Hội nhập về an ninh-quốc phòng là sự tham gia của quốc gia vào quá trình gắn kết họ với các nước khác trong mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh. Có nhiều kiểu liên kết an ninh-quốc phòng khác nhau, trong đó nổi lên những hình thức chủ yếu, là các hiệp ước an ninh, các cam kết anh ninh, được nhiều nước sử dụng như sau: Hiệp ước phòng thủ chung (NATO), Hiệp ước liên minh quân sự song phương, Tổ chức an ninh tập thể, Hợp tác an ninh…

- Hội nhập về văn hóa-xã hội

Hội nhập về văn hóa-xã hội là quá trình trong đó diễn ra quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa, quảng bá, tiếp biến văn hóa, chia sẻ các giá trị văn hóa, với thế giới. Hội nhập văn hóa giúp lọc bỏ những tập tục văn hóa lạc hậu, tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ, làm phong phú và khẳng định những giá trị văn hóa dân tộc.  Các biểu hiện của hội nhập trong lĩnh vực văn hóa xã hội là ký kết và thực hiện các hiệp định song phương về hợp tác-phát triển văn hóa-giáo dục-xã hội với các nước, tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa-giáo dục và xã hội khu vực, rộng lớn hơn là trên phạm vi khu vực và toàn cầu (Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN, UNESCO…)

Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trong từng lĩnh vực hoặc đồng thời nhiều lĩnh vực, tùy theo cách tiếp cận, năng lực của từng quốc gia. Thông thường hội nhập kinh tế đi trước, rồi đến văn hóa xã hội, chính trị. Cũng có nhiều trương hợp ngược lại, hội nhập chính trị như là cơ sở của lòng tin để thực hiện hội nhập kinh tế.

Như vậy, hội nhập quốc tế, có đặc điểm lịch sử. Mỗi giai đoạn có cách thức, hình thức, tốc độ, quy mô và tính chất khác nhau. Hội nhập, trước hết là chia sẻ các giá trị, sau đó mới là các lợi ích cụ thể. Hội nhập văn hóa nói chung, có thể coi là tạo ra nền tảng tinh thần cho hội nhập trên các lĩnh vực khác. Chúng ta thấy rằng, các đặc điểm văn hóa, tâm lý xã hội, có tác động quyết định đến tốc độ, tính toàn diện của hội nhập. Các nền văn hóa đóng kín, bảo thủ, vó tâm lý hẹp hòi, thường khó khăn trong hội nhập. Điều này có ý nghĩa trong nghiên cứu chính trị. Văn hóa chính trị tạo nền tảng tinh thần cho hội nhập chính trị, và hội nhập chính trị có ý nghĩa quyết định trong việc đề ra các quyết sách chính trị phù hợp và tương thích với các chuẩn mực và điều kiện hội nhập.

1.3. Sự tác động tích cực và tiêu cực của hội nhập quốc tế 

Các tác động tích cực:

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, có đặc điểm riêng và là một quá trình đi lên của lịch sử nhân loại. Nếu có một nước nào đó tự mình tách ra đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đóng cửa với thế giới sẽ bị gạt ra ngoài lề sự phát triển và sự tiến bộ của chung của cả thế giới. Như vậy toàn cầu hóa và hội nhập đã chỉ ra một cách rõ ràng khuynh hướng phát triển của thế giới và của từng nước. Nhờ đó, đã tránh khỏi những trả giá lịch sử về tìm tòi con đường phát triển của những quốc gia biệt lập trước đây. “Do vậy, có đầy đủ cơ sở để nói rằng, trong thời đại chúng ta, hợp tác và hội nhập quốc tế đang là mệnh lệnh, là thước đo khả năng thích nghi của một dân tộc, tầm nhìn và năng lực quản lý đất nước của các chính phủ đương quyền vì mục tiêu phát triển”.[3]

-  Hội nhập là cơ hội để mỗi quốc gia tự nhìn nhận, đánh giá lại chính mình sau khi so sánh, đối chiếu với các quốc gia khác trên thế giới. Trong trường hợp của Việt Nam, thông qua quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn những hạn chế của chúng ta hiện nay, để từ đó sàng lọc, loại bỏ những gì đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

- Hội nhập quốc tế cung cấp một sân chơi chung, cho phép các quốc gia có thể đem các giá trị văn hóa của dân tộc mình đóng góp, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể khẳng định các giá trị của văn hóa chính trị Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam với thế giới bên ngoài.

- Hội nhập quốc tế giúp tạo ra các cơ hội cho đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, trong đó có vấn đề chính trị. Xét về thể chế chính trị, Việt Nam có những điểm khác biệt so với thế giới. Sự khác biệt này có thể tạo ra những rào cản trong quá trình hội nhập. Đối thoại chân thành và thực chất cũng sẽ giúp làm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, và từ đó làm gia tăng sự tin tưởng giữa Việt Nam và các  đối tác. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng cho sự hợp tác hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam đã là đối tác chiến lược với 16[4] quốc gia trên thế giới, trong đó có 4 quốc gia thuộc Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một quốc gia còn lại (Mỹ) là hợp tác toàn diện.

- Quá trình hội nhập quốc tế cũng giúp mở rộng không gian tiếp nhận ảnh hưởng và tiếp biến các giá trị văn hóa của nhân loại góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội tại Việt Nam, thúc đẩy sự năng động hóa các quan hệ chính trị, đối ngoại, tham gia tích cực vào đời sống quốc tế, bày tỏ chính kiến, bảo vệ lợi ích, tập hợp lực lượng… nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Nó giúp chúng ta hướng tới các cải cách và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và toàn diện hơn, xây dựng một xã hội mở hơn, dân chủ hơn và hoàn thiện các yếu tố của một nhà nước pháp quyền đích thực. Một loạt các giá trị chính trị phổ biến của nhân loại như: sự khoan dung, tôn trọng quyền con người, quyền dân chủ của người dân; quản trị quốc gia một cách hiệu quả trên tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, ra quyết định với sự tham gia của người dân..v..v. được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ được truyền bá và được tiếp nhận tại Việt Nam.

- Các tác động tiêu cực:

Hội nhập quốc tế làm “xói mòn” chủ quyền của các quốc gia thành viên, trong quá trình đổi lấy những chủ quyền khác và lợi ích khác. Nếu một quốc gia, không đủ năng lực trong hội nhập thì sự “xói mòn” chủ quyền có tính giả thiết này sẽ trở thành thật. Biến một quốc gia độc lập, trở thành một quốc gia phụ thuộc một nền văn hóa có bản sắc sẽ bị hòa tan.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, thì quá trình truyền bá và xã hội hóa các giá trị phổ biến của nhân loại cũng đồng thời diễn ra. Theo một nghĩa nào đó, toàn cầu hóa cũng đồng nghĩa với việc phổ biến các giá trị của nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Trong khi đó, các giá trị chính trị Việt Nam mặc dù vẫn tuân thủ tính phổ biến vẫn mang nhiều đặc điểm đặc thù. Nếu không có một phương thức hội nhập phù hợp sẽ dẫn đến “sốc” văn hóa, loạn các giá trị văn hóa, phá vỡ cấu trúc của văn hóa chính trị.

Trong bối cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, một mô hình chủ nghĩa xã hội thay thế chưa định hình một cách thuyết phục, quá trình hội nhập quốc tế giúp cho một bộ phận người dân, dưới tác động của hội nhập có thể tạo ra tâm lý hoài nghi đối với ý thức hệ của chủ nghĩa Mác – Lenin, hoài nghi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

- Việc tiếp nhận thiếu chọn lọc các giá trị dân chủ phương Tây - vốn có thể chỉ phù hợp với văn hóa và lịch sử của phương Tây, mà không tính đến môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa thực tế của Việt Nam  - có thể tạo ra những xung đột ngay trong các giá trị chính trị, từ đó dẫn đến xung đột trong các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, thái độ “vô văn hóa” đối với các nhân vật văn hóa chính trị, các biểu tượng chính trị… Hệ lụy của nó là, có thể có một bộ phận nhân dân ủng hộ và nôn nóng cổ súy cho sự thay đổi, áp dụng ngay các chuẩn mực và giá trị thuần túy của nền dân chủ phương Tây tại Việt Nam. Những giá trị như: Đề cao chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh chính trị, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt trong các chính kiến chính trị, đa nguyên chính trị...

 

  1. QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM VÀO ASEAN

2.1. Khái quát về ASEAN

Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, khởi đầu cho một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động. Đặc biệt cuối năm 2015, với nỗ lực của các nước thành viên, ASEAN đã chính thức hình thành Cộng đồng. Đây thực sự là dấu ấn mang tính chất lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN. ASEAN hiện đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước và trung tâm lớn trên thế giới, là nhân tố quan trọng hàng đầu cho việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển trong khu vực.

Việt Nam được kết nạp vào ASEAN tháng 7-1995. Với vai trò là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã luôn thể hiện trách nhiệm, tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định các chính sách cũng như triển khai các thỏa thuận hợp tác của Hiệp hội, đã ghi những dấu ấn và có những đóng góp quan trọng.

Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995 và tham gia 08 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Cụ thể, ta đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, với Nhật Bản năm 2008, với Ôt-xtrây-lia và Niu-Di-lân vào năm 2009, với Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chi-lê năm 2011.

Hội nhập quốc tế của Việt Nam vào ASEAN diễn ra trên nhiều mặt, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng và nhiều cơ chế: đa phương song phương. Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, với Nhật Bản năm 2008, với Ôt-xtrây-lia và Niu-Di-lân vào năm 2009, với Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chi-lê năm 2011.

 

2.2. Hình thành và phát triển cộng đồng ASEAN

Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN, được các nhà Lãnh đạo chính thức đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại In-đô-nê-xi-a năm 2003, là một bước ngoặt mang ý nghĩa to lớn đối với lịch sử phát triển của ASEAN, đánh dấu sự chuyển mình về chất trong quá trình hợp tác và liên kết giữa các quốc gia khu vực, đưa ASEAN từ một Hiệp hội với mức độ liên kết còn lỏng lẻo, hướng tới một Cộng đồng gắn kết chặt chẽ và hợp tác sâu rộng hơn.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, trên cương vị chủ trì Hội nghị, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong việc cùng ASEAN xây dựng các bước đi và biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa viễn cảnh được nêu trong Tầm nhìn 2020, thể hiện trong Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) đã tạo thành những khuôn khổ ban đầu quan trọng để ASEAN đẩy mạnh hợp tác và hướng tới một mức độ liên kết khu vực cao hơn là hình thành Cộng đồng sau này.

Năm 2010, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác ASEAN với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”; chủ trì tổ chức và điều hành một loạt các hoạt động quan trọng của ASEAN và thông qua nhiều Văn kiện, tuyên bố quan trọng, có tầm chiến lược trong định hướng phát triển của ASEAN. Đồng thời, đóng góp quan trọng và việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Tuyên bố Hoà hợp Bali II) năm 2011, Tuyên bố về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi của Cấp cao năm 2012, khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)...

Sau 4 thập kỷ tồn tại, ASEAN vẫn chưa có một địa vị pháp lý trong luật quốc tế; trên thực tế, ASEAN mới chỉ hoạt động dựa trên các văn kiện chính trị, thiếu một nền tảng pháp lý làm cơ sở cho tăng cường liên kết sâu rộng hơn. Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã tham gia rất tích cực và để lại dấu ấn đậm nét là việc xây dựng, ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiến chương ASEAN. Việc xây dựng Hiến chương, do đó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ASEAN trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng.  Sau khi Hiến chương được ký thông qua, Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn văn kiện này. Việt Nam là nước tích cực trong quá trình triển khai Hiến chương. Việt Nam là nước thứ 2 cử Đại sứ, Đại diện thường trực trong Ủy ban các Đại diện thường trực về ASEAN (CPR), đồng thời cũng sớm lập Phái đoàn đại diện tại ASEAN. Vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình triển khai xây dựng các văn kiện pháp lý bổ trợ cho Hiến chương cũng như đưa bộ máy tổ chức mới của ASEAN đi vào hoạt động cũng được Hiệp hội ghi nhận. Việt Nam đã tích cực đóng góp trong việc duy trì sự đoàn kết nội khối, đề cao sự tự cường khu vực và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Tại các hội nghị, diễn đàn, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình trong vấn đề này.

Thực hiện các chương trình triển khai các hoạt động

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2010, Việt Nam đã cùng các nước thành viên đề ra ưu tiên xuyên suốt cho hợp tác ASEAN trong giai đoạn này là: Đẩy mạnh hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, được thể hiện qua Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”. Với Chủ đề này, Việt Nam đã đề xuất 3 trọng tâm hành động của ASEAN là:

Thứ nhất, đẩy mạnh nỗ lực triển khai các chương trình, kế hoạch trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời, thiết thực đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao năng lực của ASEAN trong việc ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu mà khu vực đang phải đối mặt.  

Thứ ba, tăng cường quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên Đối tác, tiếp tục củng cố vai trò và vị trí trung tâm của ASEAN trong các tiến trình đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Kể từ khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đến nay, ASEAN đi vào triển khai các kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025, quá trình này cũng đã ghi những dấu ấn Việt Nam với những đóng góp tích cực, trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh; kinh tế và văn hóa-xã hội.

2.3. Các trụ cột của cộng đồng ASEAN và vai trò của Việt Nam

  • Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC),

Việt Nam đã tích cực cùng ASEAN ưu tiên thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể và các công cụ bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực. ASEAN đã đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ quốc tế, tiếp tục phát huy giá trị của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)… Việt Nam cũng có đóng góp tích cực vào hoạt động của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cũng sẽ được đẩy mạnh để tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh hàng đầu ở khu vực Châu Á-TBD, nhất là chuyển từ giai đoạn xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa với những biện pháp cụ thể. Đẩy mạnh hợp tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển, hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. … cũng sẽ là những ưu tiên cao mà Việt Nam cùng ASEAN thúc đẩy.

Đóng góp nổi bật của Việt Nam và được các nước đánh giá cao, là đã chủ động nêu các sáng kiến quan trọng trong việc lập một số cơ chế mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+8 (ADMM +), Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), và việc Hội nghị Thượng đỉnh Đông á (EAS) đã được mở rộng với sự tham gia của Nga và Mỹ. Cộng đồng ASEAN 2016-2025 phải là cộng đồng đóng vai trò trung tâm trong các thiết chế khu vực và đủ khả năng đóng vai trò một đối tác tích cực và đáng tin cậy trên trường quốc tế.      

  • Cộng đồng an ninh:

Tuyên bố Bali II khẳng định: Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) không phải là một khối quân sự, không phải là liên minh quân sự hay có chính sách đối ngoại chung. ASC là một cộng đồng an ninh tự nguyện có mức độ hội nhập cao hơn hiện trạng, dựa trên nguyên tắc “an ninh toàn diện”, khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhấn mạnh nguyên tắc bao trùm là không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Hợp tác về an ninh sẽ được tiến hành trên cơ sở tiệm tiến, bước đi phù hợp với các bên, với các nội dung chính là tăng cường đoàn kết và hợp tác, phát huy và tận dụng hiệu quả các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp như Tuyên bố ZOPFAN, TAC, cơ chế Hội đồng tối cao TAC và Hiệp ước SEANWFZ, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tăng cường hợp tác về biển, đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, mở rộng tham vấn, hợp tác với các đối tác bên ngoài, LHQ và các tổ chức quốc tế, khu vực khác đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Để triển khai cụ thể, ASEAN đã tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Cộng đồng An ninh ASEAN, được các nhà Lãnh đạo ASEAN chính thức thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Viên-chăn, Lào tháng 11/2004. Nội dung của KHHĐ gồm 6 phần: (i) hợp tác chính trị; (ii) xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; (iii) ngăn ngừa xung đột; (iv) giải quyết xung đột; (v) kiến tạo hòa bình sau xung đột; và (vi) cơ chế thực hiện, kèm theo là danh mục gồm 75 lĩnh vực/ hoạt động để xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN.  KHHĐ không phải văn kiện bất biến mà mang tính “mở”, và sẽ được sửa đổi và bổ sung thường xuyên để thích ứng với những biến chuyển mới ở khu vực và thế giới.  

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14, tháng 3/2009, các Lãnh đạo ASEAN đã ký Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009-2015, bao gồm các Kế hoạch tổng thể về từng trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa xã hội, cùng với Khuôn khổ chiến lược và Kế hoạch công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn II.

Mục tiêu và lĩnh vực hợp tác của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN:   

Mục tiêu: Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN nhằm nâng hợp tác chính trị, an ninh lên một tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp của các đối tác bên ngoài, nhằm bảo đảm cho các nước ASEAN chung sống hòa bình với nhau và với thế giới bên ngoài trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp. Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN không phải là một khối quân sự, không nhằm tới một liên minh quân sự hay có chính sách đối ngoại chung. Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN sẽ thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về an ninh, gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường; tăng cường hợp tác chính trị, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung; thúc đẩy xu hướng không sử dụng vũ lực và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; rộng mở quan hệ với các đối tác bên ngoài và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Theo Kế hoạch tổng thể thực hiện APSC, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, khi hoàn thành, sẽ gồm 3 đặc điểm chính:

- Một Cộng đồng hoạt động theo luật lệ trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực chung;

- Một Khu vực gắn kết, hòa bình, ổn định và tự cường, chia sẻ tránh nhiệm vì một nền an ninh toàn diện;

- Một khu vực năng động, rộng mở với bên ngoài trong một khu vực ngày càng liên kết chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau.

Các lĩnh vực hợp tác:

Đề hoàn thành mục tiêu Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN với các đặc điểm nêu trên, các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sau:

(1) Hợp tác chính trị: với các nội dung chính là tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin giữa nhân dân các nước, nâng cao hiểu biết về lịch sử, xã hội, thể chế chính trị của từng nước ASEAN, nâng cao sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng Cộng đồng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản trị tốt, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thực hành dân chủ và phòng chống tham nhũng.

(2) Xây dựng và chia sẻ chuẩn mực: ASEAN quy định và bảo đảm tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung vì đoàn kết và hợp tác ở khu vực, thông qua việc củng cố và phát huy các công cụ chính trị như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); khuyến khích các nước có vũ khí hạt nhân cam kết tôn trọng Hiệp ước SEANWFZ, sớm tham gia Nghị định thư của Hiệp ước để củng cố hiệu lực của Hiệp ước; tăng cường hợp tác ASEAN về biển, trong đó có việc lập Diễn đàn Biển ASEAN…  

(3) Ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin: nhằm giảm nhẹ căng thẳng, ngăn ngừa xung đột mới nảy sinh cũng như ngăn các tranh chấp chưa được giải quyết bùng phát thành xung đột, các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác bên ngoài trong những lĩnh vực: xây dựng lòng tin; nâng cao minh bạch và chia sẻ thông tin về chính sách an ninh-quốc phòng; đẩy mạnh tiến trình ARF; bảo đảm cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của các nước thành viên; và tạo khuôn khổ cho hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, an ninh của các nước ASEAN.

(4) Giải quyết hòa bình xung đột và tranh chấp: ASEAN sẽ tiếp tục củng cố các công cụ, khuôn khổ chính trị ở khu vực, trong đó có Hiệp ước TAC, để bảo đảm mọi tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên, cũng như giữa các nước thành viên với bên ngoài, phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình; đồng thời tăng cường hợp tác, nghiên cứu về các biện pháp bảo đảm hòa bình, quản lý xung đột ở khu vực.

(5) Kiến tạo hòa bình sau xung đột: đây là lĩnh vực hợp tác mới, với các nội dung như tăng cường cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng có xung đột, giúp phát triển nguồn nhân lực tại các khu vực xung đột, hợp tác về hòa giải và thúc đẩy các giá trị hòa bình.

(6) An ninh phi truyền thống: ASEAN đã và đang tăng cường hợp tác trong ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, ma túy, các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên biên giới, buôn bán vũ khí, tội phạm mạng, cướp biển, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh biên giới.

(7) Quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp: ASEAN rất coi trọng hợp tác trong lĩnh vực này. Các biện pháp hợp tác cụ thể bao gồm: nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm, tăng cường hợp tác quân-dân sự khi có thiên tai, đơn giản hóa thủ tục cho việc các nước ASEAN cung cấp cứu trợ tới các vùng bị ảnh hưởng trong khu vực, tăng cường phối hợp giữa các khuôn khổ hợp tác khu vực như của ASEAN+3, EAS và ARF…

(8) Ứng phó kịp thời với các vấn đề khẩn cấp hay tình hình khủng hoảng ảnh hưởng tới ASEAN: Hợp tác trong lĩnh vực này chủ yếu thể hiện ở việc ASEAN cùng lên tiếng bày tỏ quan tâm khi có những vấn đề ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh khu vực, hoặc các diễn biến lớn tác động sâu sắc tới cục diện quốc tế.

(9) Tăng cường quan hệ với bên ngoài: ASEAN đã và đang thúc đẩy các quan hệ hợp tác cùng có lợi với các đối tác bên ngoài, để tranh thủ các đối tác đóng góp vào hòa bình, an ninh ở khu vực và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, trong đó có trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh. Đồng thời, ASEAN sẽ nỗ lực duy trì và củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác ở khu vực.

Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác về các vấn đề đa phương cùng quan tâm tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác.

Các khuôn khổ và lĩnh vực hợp tác chính trị-an ninh trong ASEAN:

  • Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM):

Hội nghị AMM họp định kỳ hàng năm, thông thường trong tháng 7, do nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm chủ trì và đăng cai. Tính đến tháng 7/2011, đã diễn ra 44 Hội nghị AMM.

(2) Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)

Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời tháng 7/1994, đến nay có 27 nước tham gia gồm 10 nước ASEAN, 10 bên đối thoại của ASEAN (Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ,  Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Liên minh Châu Âu) và Papua Niu Ghi-nê, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Pa-kix-tan, Băng-la-đét, Xri-lan-ka, Timo-Létxtê). Việt Nam đã tham gia từ 1994 và là 1 trong những nước sáng lập ARF.

Về mục tiêu, phương hướng của ARF: ARF là diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa các nước tham gia về các vấn đề chính trị-an ninh khu vực; tiến triển qua 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin (CBM), ngoại giao phòng ngừa (PD) và xem xét phương cách giải quyết xung đột.

- Về tổ chức: gồm Hội nghị Ngoại trưởng họp hàng năm (nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN); giữa hai kỳ Bộ trưởng có Hội nghị Quan chức cao cấp (ARF-SOM) và các cuộc họp Nhóm hỗ trợ cấp làm việc (ISG và ISM) với sự tham dự của các quan chức ngoại giao và quốc phòng.

Hiện tại, ARF đang chuyển từ giai đoạn Xây dựng lòng tin (CBM) sang Ngoại giao phòng ngừa (PD). Về hợp tác cụ thể, ARF đã xây dựng và thông qua các Kế hoạch hợp tác về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, an ninh biển và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thách thức đối với ASEAN hiện nay là duy trì vai trò chủ đạo trong ARF, xử lý thỏa đáng đòi hỏi của các nước ngoài ASEAN về đẩy nhanh tiến độ, hợp tác theo chiều sâu và thể chế hóa Diễn đàn.

(3) Uỷ ban Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hat nhân (SEANWFZ):

Nhiệm vụ của Ủy ban là giám sát việc triển khai Hiệp ước SEANWFZ và bảo đảm việc tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước. Ủy ban SEANWFZ thường được triệu tập nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên, nhưng cũng có thể họp vào thời điểm khác nếu có đồng thuận.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng:

Từ năm 1996, quan chức quốc phòng các nước ASEAN bắt đầu trao đổi về hợp tác quốc phòng trong ASEAN thông qua tham gia Nhóm công tác về Hợp tác An ninh của các quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM), đồng thời tham dự Cuộc họp các quan chức cao cấp đặc biệt hàng năm.

Năm 2004, trên cơ sở các kiến nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao, Cấp cao ASEAN 10 (Viên-chăn, 11/2004) thông qua Kế hoạch hành động Cộng đồng An ninh ASEAN, trong đó khẳng định ASEAN sẽ tiến tới triệu tập Hội nghị thường niên Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.

Năm 2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) đã họp lần đầu tiên tại Ma-lay-xi-a, xác định một số mục tiêu cũng như phương thức hoạt động của ADMM. Đến nay, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã họp được 05 Hội nghị. Hội nghị ADMM lần thứ tư (10-13/5/2010, Hà Nội) thông qua 02 tài liệu về Cơ cấu và Thành phần, Thể thức và Thủ tục Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); ký Tuyên bố chung Hội nghị. Hội nghị quyết định Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần đầu tiên vào tháng 10/2010.

Một số kết quả hợp tác:

Thứ nhất, quân đội các nước ASEAN đang triển khai các hình thức hợp tác thiết thực, cụ thể phù hợp với các nhu cầu đòi hỏi chung của khu vực.

Thứ hai, ADMM xây dựng được một số khuôn khổ pháp lý hướng tới hợp tác trên thực tế trong một số lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình và công nghiệp quốc phòng.

Thứ ba, trong khuôn khổ ADMM, ngoài các hội nghị làm công tác chuẩn bị cho ADMM, thì mạng lưới kênh II của các Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ASEAN (NADI) cũng đã được thành lập vào năm 2007, nhằm hỗ trợ cho tiến trình ADMM. NADI-3 tổ chức tháng 4/2010 tại Việt Nam đã đưa ra đánh giá các vấn đề an ninh và hợp tác khu vực và khuyến nghị tăng cường hợp tác quốc phòng quân sự.

Thứ tư, bên cạnh kênh hợp tác quốc phòng, kênh hợp tác quân sự cũng được triển khai toàn diện ở nhiều cấp độ khác nhau.

Thứ năm, hợp tác với các nước ngoài khu vực, ASEAN đã tăng cường hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) thông qua Hội nghị chính sách an ninh ARF (từ 2004) và Đối thoại các quan chức quốc phòng ARF.

Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng

Ý tưởng về cơ chế Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng được ASEAN đưa ra từ Hội nghị ADMM lần thứ nhất năm 2006 tại Ma-lai-xia, tiếp tục được bổ sung qua ADMM-2, ADMM-3 và được hiện thực hóa tại ADMM-4 tại Hà Nội với việc thông qua Tài liệu khái niệm: Cơ cấu và Thành phần; Thể thức và Thủ tục, hoàn tất cơ sở pháp lý cho việc hình thành cơ chế ADMM mở rộng và giao Việt Nam đăng cai Hội nghị đầu tiên trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.

Về mục tiêu, ADMM+ xác định rõ 4 mục tiêu lớn gồm: thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực; thúc đẩy ADMM+ thành một diễn đàn hữu ích và có hiệu quả hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh; thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.

Hợp tác trong lĩnh vực công an:

ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 1999), cùng Kế hoạch công tác để triển khai cụ thể (năm 2002); trong đó xác định 08 lĩnh vực ưu tiên là: (i) khủng bố; (ii) buôn bán ma túy; (iii) buôn bán người; (iv) rửa tiền; (v) buôn bán vũ khí; (vi) cướp biển: (vii) tội phạm kinh tế; và (viii) tội phạm mạng..

Về cơ chế hợp tác:

- Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), họp 2 năm/ lần, là cơ quan định ra các quyết sách và điều phối hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác về chống tội phạm xuyên quốc gia. Đến hết năm 2011 đã diễn ra 8 Hội nghị AMMTC. Ngoài ra, còn có Hội nghị Tổ chức Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANPOL), Hội nghị Các quan chức cao cấp ASEAN về Ma túy (ASOD), Hội nghị Tổng Vụ trưởng Lãnh sự các nước ASEAN (DGICM) và Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về tư pháp (ASLOM).

Hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể:

Triển khai quyết định của AMMTC-7 (11/2009), SOMTC-10 (10/2010) đã thông qua Kế hoạch Công tác triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về đấu tranh chống Tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2010-2012, đề ra các phương hướng và biện pháp hợp tác cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên đã xác định, tập trung vàochia sẻ thông tin, hợp tác tư pháp và thực thi pháp luật, xây dựng năng lực và hợp tác với bên ngoài.

  • Chống khủng bố
  • Chống buôn bán người
  • Chống buôn bán ma túy
  • Quản lý biên giới
  • Dẫn độ

Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp:

 

Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) được thành lập năm 1986, họp với tần suất 3 năm/lần. Các lĩnh vực hợp tác cụ thể bao gồm: tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự và dân sự, dẫn độ, chống tội phạm xuyên quốc gia… Giúp việc cho các Bộ trưởng có cơ chế Hội nghị Quan chức cao cấp Tư pháp ASEAN (ASLOM).

Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa các quốc gia ASEAN (MLAT)

Cho tới nay, đã có 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn MLAT và Thái Lan đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định. ASEAN sẽ thảo luận khả năng xây dựng một Hiệp định ASEAN về vấn đề này sau khi cả 10 quốc gia thành viên đã phê chuẩn MLAT.

 

Hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người:

 

Trong những năm qua, ASEAN luôn dành nhiều quan tâm tới việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và đã có nhiều biện pháp triển khai hợp tác trong lĩnh vực này, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, lao động nhập cư...

Hiến chương ASEAN đã xác định bảo vệ và thúc đẩy quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc chỉ đạo hoạt động của ASEAN, theo đó đã quy định việc thành lập cơ quan nhân quyền ASEAN.

Sau hơn một năm đàm phán và soạn thảo, Nhóm Đặc trách cao cấp đã hoàn tất dự thảo Quy chế và đệ trình lên các Ngoại trưởng ASEAN, đồng thời kiến nghị tên gọi chính thức của cơ quan là Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Quy chế hoạt động được thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 42 (tháng 7/2009), AICHR đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động dịp Cấp cao ASEAN 15 (Thái Lan, tháng 10/2009), với tư cách là cơ quan giữ vai trò bao trùm về hợp tác nhân quyền ở khu vực. Các nhà Lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố ASEAN về nhân quyền, do AICHR soạn thảo, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (Phnôm Pênh, Căm-pu-chia, 18/11/2012)

  • Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức vào tháng 2 năm 2009 tại Thái Lan, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN với các biện pháp và lịch trình cụ thể, bao gồm các nội dung:

(i)  Xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất thông qua các biện pháp dỡ bỏ các rào cản đối với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động kỹ năng cũng như tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn, các biện pháp về các lĩnh vực ưu tiên hội nhập.

(ii) Đưa ASEAN thành một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở thực thi chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử.

(iii) Phát triển kinh tế đồng đều thông qua thực hiện các biện pháp về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sáng kiến Hội nhập ASEAN nhằm giúp các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam) nâng cao năng lực.

(iv) Hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Vai trò và vị trí của Việt Nam trong quá trình xây dựng AEC

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (tỷ lệ thực hiện các biện pháp ưu tiên đạt 94,5%). Để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp xây dựng AEC, các nước ASEAN nhất trí về một số định hướng, bên cạnh các biện pháp khác, như sau: đánh giá các biện pháp chưa hoàn thành nhằm xác định lý do chưa hoàn thành là vấn đề kỹ thuật hay vấn đề chính sách; tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp còn lại trong Lộ trình tổng thể xây dựng AEC.

Về mặt thực hiện cam kết, Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng hạn:

- Ban hành văn bản pháp lý thực hiện cắt giảm thuế. Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc Lộ trình cắt giảm thuế thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) được kế thừa từ Chương trình CEPT/AFTA. Tính đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0-5% đối với 97% biểu thuế, trong đó khoảng 90% số dòng thuế đã ở mức 0%. Đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 97% biểu thuế và xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng trứng gia cầm, đường, muối. Về thuận lợi hóa thương mạiViệt Nam cùng các nước ASEAN tích cực triển khai các sáng kiến và nội dung trong Chương trình làm việc về Thuận lợi hóa thương mại giai đoạn 2007-2015 được các nước Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua, nổi bật là:

- Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận, hải quan điện tử, cơ chế một cửa…hướng tới tự do hóa dịch vụ, thực hiện các cam kết trong từng ngành, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) cũng như GATS. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với In-đô-nê-xia, Xinh-ga-po và Thái Lan…

Việt Nam đã tích cực đàm phán mở cửa các thị trường mới, vừa nhằm mục đích đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc sâu vào các thị trường khu vực, vừa tính đến tính chất bổ trợ cho nền kinh tế Việt Nam, mà ví dụ nổi bật là thị trường EU, thông qua đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Sáng kiến kết nối ASEAN của Việt Nam, và triển khai Sáng kiến kết nối, tập trung vào 3 lĩnh vực: kết nối phần cứng, kết nối về thể chế và kết nối về con người, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao (HNCC)-15 năm 2009 và tại HNCC-17 năm 2010 tại Hà Nội.

  • Xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC)

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. 

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN-ASCC, được xem như chân kiềng quan trọng, gắn kết và bổ trợ cho 2 trụ cột ban đầu, tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hợp tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việt Nam không chỉ là người nêu ý tưởng xây dựng cộng đồng Văn hóa-Xã hội vào các trụ cột của cộng đồng ASEAN, mà con tích cực đẩy mạnh hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, phát huy bản sắc văn hóa, tạo dựng ý thức cộng đồng, đối phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II nêu những mục tiêu chính của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm:

  • Thực hiện mục tiêu nêu trong Tầm nhìn 2020 về xây dựng một cộng động các xã hội đùm bọc lẫn nhau;
  • Hợp tác trong lĩnh vực phát triển xã hội nhằm nâng cao đời sống của các nhóm người có hoàn cảnh bất lợi, người dân ở nông thôn; khuyến khích sự tham gia tích cực của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các cộng đồng địa phương; 
  • Đảm bảo để những người lao động trong khu vực được chuẩn bị sẵn sàng và được hưởng lợi từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, thông qua việc đầu tư thêm nguồn lực cho giáo dục tiểu học và cao đẳng, đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, tạo công ăn việc làm và được đảm bảo về mặt xã hội;
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS và SARS và ủng hộ các nỗ lực khu vực để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn đối với các loại thuốc thông thường;
  • Bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy giao lưu giữa các học giả, văn nghệ sĩ, những người làm trong ngành truyền thông để bảo tồn và nâng cao giá trị của các di sản văn hoá đa dạng, đồng thời xây dựng bản sắc khu vực, nhận thức của người dân về ASEAN;
  • Tăng cường hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan tới tăng trưởng dân số, thất nghiệp, môi trường xuống cấp và ô nhiễm xuyên biên giới, quản lý thiên tai.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố Bali II, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10, Viên-chăn, Lào, tháng 11/2004, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC POA), tập trung vào các mục tiêu cụ thể nằm dưới 4 thành tố chính gồm: i) xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; ii) Quản lý tác động xã hội của liên kết kinh tế; iii) Nâng cao tính bền vững của môi trường và iv) Tăng cường các nền tảng cho sự gắn kết xã hội trong khu vực. Cũng tại Hội nghị này, các Nhà lãnh đạo đã thông qua Chương trình hành động Viên-Chăn (VAP) bao gồm các hoạt động nhằm triển khai xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Về ASCC, VAP nêu các hoạt động dưới 4 thành tố chính gồm: i) Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; ii) Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; iii) Phát triển môi trường bền vững; iv) Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN, tương ứng với những nội dung ưu tiên đề ra trong ASCC POA. 

Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Kế hoạch tổng thể (KHTT) ASCC khẳng định lại mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

KHTT ASCC tập trung vào 6 nội dung chính: (1) Phát triển con người; (2) Phúc lợi xã hội và bảo vệ; (3) Công bằng xã hội và các quyền; (4) Đảm bảo môi trường bền vững; (5) Xây dựng bản sắc ASEAN; và (6) Thu hẹp khoảng cách phát triển.

2.4. Các nhiệm kỳ Việt Nam chủ tịch ASEAN

Năm 2010 Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN  từ 01-01-2010. Chủ đề mà Việt Nam đưa ra cho năm chủ tịch là “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”. Ưu tiên của Việt Nam trong năm chủ tịch là tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN; tăng cường hợp tác để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, triển khai thực hiện hiệu quả Hiến chương và lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, giữ vững vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới.

Năm 2020, lần thứ 2 kể từ khi gia nhập, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch. Chủ đề của ASEAN năm 2020 là “ASEAN gắn kết và thích ứng” với 5 ưu tiên: (i) Đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (ii) Thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; (v) Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Phiên Chủ tịch 2020 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID 19, mọi hoạt động trên các lĩnh vực đều phải thay đổi. Nền kinh tế của các nước bị suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm.

KẾT LUẬN:

Có thể nói: Trải qua hai thập kỷ gia nhập ASEAN, với nhiều cơ hội và thách thức, Việt Nam đã hội nhập thành công vào ASEAN, đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển cộng đồng ASEAN. Điều đó có được nhờ ở tầm nhìn về hội nhập quốc tế trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhờ việc tham gia sâu, rộng và toàn diện của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.


[1] Xem thêm: Phạm Quốc Trụ, Nghiên cứu Biển Đông, 31 Tháng 8 - 2011

[2] Nguyễn Quốc Trụ, Đã dẫn

[3] Nguyễn Trọng Chuẩn, Tạp chí Triết học, 02/2009

[4] Mới nhất: Austraylia, ký tuyên bố vào 15-3-2018

 

 

ads.txt

THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Điện thoại: 0243.201.1061/ 09046343880904153125
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 47
Trong tuần: 314
Lượt truy cập: 475845