VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Kỹ năng sản xuất chuơng trình phát thanh ở cơ sở (phần 2)

1608052075702

VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 KỸ NĂNG VIẾT VỀ

GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

 

 

(DÙNG CHO CÁC LỚP BỒI DƯỠNG

CÔNG TÁC THÔNG TIN CƠ SỞ)

 

 

(tiếp theo phần 1)

  1. TỰ SỬA CÁCH VIẾT

Sau đây là một bài tập rất đơn giản và nhanh giúp bạn chẩn đoán về lối viết phát thanh và tự sửa cho mình.

Hãy đánh dấu ba yếu tố sau đây:

  • Khoanh câu đầu tiên.
  • Gạch chân các động từ.
  • Gạch chéo trên mỗi dấu chấm câu.

Câu đầu tiên :

Hãy đọc thật kỹ câu đầu tiên trong khi che đi phần còn lại của bài viết. Câu này phải chứa thông tin mang tính thời sự. Để biết liệu nó có chứa thông tin thời sự hay không, hãy trả lời câu hỏi: đâu là thông tin mới? Nếu câu đầu tiên đó không đáp ứng được câu hỏi, thì nghĩa là bạn viết tồi.

Động từ:

Phải tôn trọng tính nhất quán về thời gian. Các động từ phải ở thì hiện tại. Bạn hãy kiểm tra xem liệu đã được vậy hay chưa. Tất cả các động từ phải khác nhau. Mỗi một động từ phải tương ứng với một ý cụ thể. Các động từ “là” và “có » phải bị cấm chỉ. Chúng không cụ thể. Hãy cố gắng tìm các động từ thích đáng.

 

Các dấu chấm câu:

 

Liệu các câu của bạn có dài quá không? Nếu có, hẳn là bạn đưa nhiều thông tin vào trong mỗi câu. Để sửa cho chính mình, bạn hãy tự hài lòng với việc viết mỗi câu một ý. Hãy sử dụng kết cấu: chủ ngữ/động từ/bổ ngữ.

Hãy làm bài tập này, tự sửa cho mình và bạn sẽ thấy lối viết của mình sáng sủa hơn nhiều, dễ hiểu hơn đối với thính giả và dễ đọc hơn trên sóng.

Lời khuyên

Trong tòa soạn của bạn, hãy tạo thói quen đọc các tin của mình cho đồng nghiệp nghe trước khi lên sóng, điều đó giúp bạn xem liệu viết như thế có ổn không, và liệu có phải sửa không. Cũng làm như vậy với các phóng sự khi bạn còn hoài nghi. Ta tiến bộ nhờ những người khác.

  1. CÁC KỸ THUẬT PHỎNG VẤN

Trước khi phỏng vấn

Bước một: tra cứu tư liệu, hiểu biết về đề tài của mình, về những đặc điểm nghề nghiệp của người đối diện.

Chuẩn bị câu hỏi của bạn: bạn hãy ghi chúng ra để đặt chúng theo trình tự logic.

Tự giới thiệu bản thân: dù là qua điện thoại để xin hẹn gặp hay khi bạn đến để phỏng vấn. Bạn hãy nói bạn là ai, bạn làm cho cơ quan nào, bạn sẽ làm gì với phỏng vấn này (phát sóng các trích đoạn, phát sóng một phần lớn hay toàn bộ phỏng vấn…)

Hãy khiến khách mời của bạn cảm thấy dễ chịu bằng cách nói với người đó góc độ mà bạn đã chọn, các chủ đề mà bạn sẽ đề cập tới.

Trong lúc phỏng vấn

Hãy đặt các câu hỏi mở: hãy bắt đầu các câu hỏi của bạn bằng tại sao hay bằng ông có nghĩ rằng… thay vì bằng liệu…? Bằng cách ấy sẽ tránh được việc người đối thoại trả lời bằng câu có hoặc không.

Hãy đặt mỗi lần một câu hỏi: nếu bạn cùng lúc hỏi nhiều câu, người đối thoại sẽ chỉ trả lời câu hỏi cuối cùng, và quên khuấy mất các câu hỏi khác… mà bạn cũng vậy.

Hãy đặt câu hỏi chứ đừng khẳng định quan điểm của bạn: bạn ở đó không phải để tỏ quan điểm, để đọc diễn văn hay bình luận. Mục tiêu của bạn là thu được các câu trả lời hay. Và để đạt mục tiêu đó, bạn đã nghĩ tới các câu hỏi thích đáng nhất có thể.

Hãy lắng nghe câu trả lời: luôn có những chỗ cần làm sáng tỏ, cần được giải thích.

Hãy biết cách ngắt lời một cách lịch sự: các chính trị gia có đặc điểm thường hay nói lan man để không trả lời vào câu hỏi. Hãy đưa họ trở lại con đường mà bạn đã vạch ra: mục tiêu của cuộc phỏng vấn.

Hãy biết trợ giúp người đối thoại: có những người không nhiều lời hay rụt rè khi nói trước micro: hãy khiến họ cảm thấy thoải mái, đặt lại câu hỏi theo cách khác.

Nếu người đối thoại không trả lời vào câu hỏi hoặc anh ta trả lời bạn bằng một câu hỏi khác, thì chính là vì câu hỏi của bạn làm anh ta thấy phiền hoặc là câu hỏi tế nhị. Bạn đừng do dự mà đặt lại câu hỏi đó một cách bình tĩnh. Chính bạn là người làm chủ cuộc phỏng vấn mà.

Hãy tỏ ra là bạn quan tâm: hãy nhìn vào mắt khách mời của bạn, gật gật đầu, tán thành…

Hãy từ chối các câu trả lời được viết sẵn: đôi khi mọi người đến gặp bạn với các câu trả lời đã được viết sẵn, hãy nói với họ rằng như thế rất dở, họ sẽ không có vẻ tự nhiên trên sóng, họ sẽ lạc lối trong bài viết của mình trong khi họ đã có sẵn mọi thông tin trong đầu rồi và họ nói sẽ hay hơn rất nhiều.

Hãy nghĩ đến việc dựng băng khi phỏng vấn: một phỏng vấn tốt là một phỏng vấn mà từ đó ta có thể trích ra những đoạn tiếng động tốt.

Trước khi ra về, hãy kiểm tra đoạn ghi âm của mình: hãy nghe lại đoạn cuối của phỏng vấn để xem liệu bạn có chất lượng âm thanh đủ tốt để phát sóng hay không.

 

  1. LUYỆN GIỌNG

Có cần một giọng hay để làm phát thanh không? Có thì tốt hơn, nhưng ta cũng gặp những người đọc bản tin có giọng khàn khàn mà lại nổi bật vì họ biết sử dụng nó. Với phát thanh, cần viết cho giọng nói của riêng mình, đó lại là con đường khó tìm nhất.

Hãy thử làm bài test, lắng nghe những người ở cạnh bạn: một số nói nhanh, số khác nói chậm. Đó là đặc trưng của mỗi người. Với phát thanh, phải tìm được điểm cân bằng ở giữa.

Quy tắc đầu tiên: Nói với ai đó

Bạn không đứng ở quảng trường công cộng để đọc diễn văn, bạn đang nói với một người. Hãy thường xuyên rời mắt khỏi trang giấy và nhìn vào kỹ thuật viên. Anh ta chính là thính giả đầu tiên của bạn, là người bạn của bạn. Anh ta có thể ra hiệu cho bạn nói chậm lại. Ta nói trên đài chậm hơn trong đời thường.

Quy tắc thứ hai: Viết đề nói

Có một thứ âm nhạc của văn nói không giống với văn viết. Khi bạn viết, hãy nói thầm các câu của mình. Bạn sẽ thấy là bạn sẽ tìm được một văn phong đơn giản gần gũi với cách nói của bạn. Điều đó giúp cho bạn tránh được những lúc ngập ngừng hay lúng túng trước micro.

Quy tắc thứ ba: Cất lên giọng nói của mình

Những lần đầu ngồi trước micro, mọi người thường rụt rè. Họ đọc bài viết của mình như họ vẫn quen đọc cho riêng mình. Giọng buồn tẻ, chẳng có chút gì cuốn hút. Hãy lấy đi bài viết và đề nghị họ nói lại điều mà họ đã viết. Ngay lập tức, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Người kia lấy lại giọng nói tự nhiên của mình. Cất lên giọng nói của mình không có nghĩa là hét lên, mà là tìm được điểm dung hòa giữa giọng tự nhiên của mình và ngữ điệu phù hợp cho tin tức.

Quy tắc thứ tư: Giúp đỡ lẫn nhau

Cần phải nghe lại những gì mình đã nói và coi giọng nói như là một mục tiêu. Ta có thể đề nghị một diễn viên kịch, các đồng nghiệp, tổng biên tập trợ giúp. Cả đài là một ê-kíp, chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ.

Quy tắc thứ năm: Khởi động miệng

Đây là quy tắc cơ bản nhất, có giá trị với mọi nhà báo, mới vào nghề hay đã giàu kinh nghiệm. Trước khi lên sóng: hãy đọc to lại bản tin của bạn, bản tin nhanh, tin sâu của bạn. Như thế, bạn sẽ làm nóng miệng và các dây thanh quản. Bạn in vào trí óc mình âm nhạc của bản tin đó. Khi lên sóng, bạn có nó rõ ràng trong đầu đến mức tự nó tuôn chảy. Một số người đọc bản tin còn xoa bóp miệng trước khi vào phòng thu và uống chút nước để tránh bị khô họng. Phát thanh cũng giống như thể thao: làm nóng người và khởi động cơ bắp trước khi ra sân.

Quy tắc thứ sáu: Đừng ăn micro

Ta nói cách micro 20 cm. Ta rút một bên tai nghe ra khỏi tai để có thể nghe giọng mình như trong đời sống thường ngày. Tai kia dùng để nhận các mệnh lệnh và để kiểm tra.

 

  1. BẢN TIN

Trình bày bản tin đòi hỏi trách nhiệm của người thực hiện bản tin đó và của cả ê-kíp. Một bản tin gồm có tít, các lời dẫn, các phóng sự và tin ngắn. Đó là một bản nhạc. Độ dài của nó từ 10 đến 15 phút, hoặc dài hơn tuỳ theo sự chọn lựa của đài. Thông thường, ta có nhiều bản tin sáng, một bản tin chính vào buổi trưa và một bản tin chính vào buổi tối. Giống như mọi phần việc khác trong phát thanh, một bản tin phải được chuẩn bị, được viết, được tập đọc trước và rồi được nói trên sóng.

Trước khi viết: Đọc nghe và nghĩ về nhịp điệu

Sau đây là một vài lời khuyên thiết thực tiên quyết cho việc soạn tin bài giúp bạn tiết kiệm được thời gian và thực hiện bản tin tốt hơn.

Việc đầu tiên cần làm là đọc lại các ghi chép mà bạn đã viết trong cuộc họp tòa soạn. Việc này giúp cho bạn kiểm tra xem liệu bạn đã thực sự hiểu các quyết định trong cuộc họp hay chưa. Nhờ vào việc đọc lại này, bạn cũng có thể kiểm tra xem đâu là các yếu tố hay thông tin mà bạn còn thiếu hoặc không đầy đủ.

Ghi danh sách các việc cần thực hiện cho đến giờ phát bản tin. Bạn cần ghi các yếu tố này theo trình tự logic cho bản tin của bạn. Bạn có thể gạch dần trên danh sách mỗi khi hoàn thành một phần việc.

Đọc ghi chép do đồng nghiệp của bạn, người thực hiện chương trình trước đó, để lại. Và cũng đọc kịch bản chi tiết bản tin của đồng nghiệp. Nếu bạn không kịp nghe chương trình trước đó khi phát trực tiếp, hãy kiếm cho mình bản copy và nghe chương trình.

Đọc các lời dẫn cho các phóng sự đã hoàn thành. Các phóng viên phải để lại phóng sự của mình với các yếu tố dành cho lời dẫn và nói rõ góc độ mà họ đã chọn.

Nghe chăm chú file âm thanh đã có. Ghi chép lại phần đầu và phần kết của mỗi file âm thanh, nó giúp cho việc viết lời dẫn của bạn. Ghi chép lại độ dài của từng file âm thanh.

Trao đổi với các phóng viên. Bạn cần làm rõ những thứ khiến bạn đặt dấu hỏi khi đọc lời dẫn và khi nghe file âm thanh. Bạn cần tìm hiểu để biết được ai đang ở hiện trường và bao giờ thì họ quay về. Hãy gọi điện cho các phóng viên của các tòa soạn khác để kiểm tra xem liệu bạn đã có đủ các yếu tố cần có hay chưa.

Cuối cùng hãy nghĩ tới nhịp điệu và sự cân bằng của bản tin. Trước khi bắt đầu viết, hãy có một ý tưởng cụ thể về hình dạng cuối cùng của bản tin của bạn. Để làm việc đó, bạn hãy tự đặt cho mình các câu hỏi: Liệu bạn có đủ tin ngắn hay chưa? Hay là bạn chỉ có các tin sâu có tiếng động? Liệu bạn có thông tin cho từng vùng lớn của đất nước không? Hay là bạn có quá nhiều đề tài chính trị và chẳng có tin gì về cuộc sống đời thường cả?

 

  1. LỜI DẪN

Lời dẫn còn được gọi là sa-pô. Lời dẫn được người thực hiện bản tin viết ra, cho phép anh ta “dẫn vào”, có nghĩa là đưa một đề tài vào trong bản tin.

Độ dài của lời dẫn

Một lời dẫn có độ dài trung bình hai mươi giây, có nghĩa là tối thiểu ba câu và tối đa năm hoặc sáu câu.

Kết cấu của lời dẫn

Lời dẫn có kết cấu gồm ba phần:

Phần một: Câu mở đầu chứa thông tin thời sự.

Để xác định đâu là thông tin thời sự, có một kỹ năng vô cùng đơn giản. Bạn cần tự đặt cho mình câu hỏi sau đây: “đâu là thông tin mới?” Câu trả lời cho câu hỏi này phải gói gọn trong một câu. Cần viết câu đó theo kiểu khơi gợi sự chú ý, để thu hút thính giả.

Phần hai: Các thông tin bổ sung.

Phần này tối thiểu là một câu, nhưng thường thì gồm hai hoặc ba câu đem lại một vài yếu tố cần thiết để hiểu được thông tin. Để chắc chắn là bạn không quên gì, hãy sử dụng quy tắc 5 W: Who When Where What Why ; trong tiếng Việt: Ai Khi nào Ở đâu Cái gì và Tại sao. Hãy nghĩ tới việc kiểm tra xem liệu lời dẫn của bạn có trả lời đầy đủ cả năm câu hỏi đó không.

Phần ba: câu giới thiệu góc độ mà đề tài được xử lý.

Phóng viên mỗi khi đi thực hiện một đề tài có thể làm dưới các “góc độ”, những khía cạnh khác nhau. Lấy ví dụ một phóng sự về một vụ xét xử mới bắt đầu. Sau đây là các góc độ có thể xử lý:

  • Chân dung của bị cáo dưới dạng tin sâu.
  • Nhắc lại sự kiện dẫn tới vụ xét xử này, dưới dạng tin sâu.
  • Phỏng vấn chéo các luật sự của nạn nhân và bị cáo.
  • v.
  1. TIN NGẮN

Tin ngắn là nghệ thuật trong phát thanh. Đó là một thông tin ngắn gọn, tạo ra trong bản tin nhịp điệu giữa các đề tài được phát triển. Nó cho phép ta khoe giọng. Nó đưa các quãng nghỉ vào bản tin, bởi lẽ sau mỗi tin ngắn, bạn nghỉ một chút để lấy hơi, trước khi bắt đầu tin ngắn tiếp theo hoặc đề tài tiếp theo. Trong việc này cũng phải luyện. Để viết được một tin ngắn hay, đôi khi phải viết đi viết lại nhiều lần.

Định nghĩa tin ngắn

Một tin ngắn là một thông tin không được phát triển dưới dạng một đề tài, như là tin sâu hay tin tiếng động. Nó có thể được dùng trong bản tin nhanh hay trong một bản tin thời sự đầy đủ.

Độ dài của một tin ngắn

Như tên của nó, tin ngắn chỉ dài vài dòng. Thông thường, ba hay bốn câu cho phép viết xong một tin ngắn. Xét về thời gian, thì độ dài du di trong khoảng từ mười đến hai mươi giây. Nếu một tin ngắn quá dài, điều đó có nghĩa là bạn đã không đi vào điểm cốt yếu và thông tin của bạn bị loãng.

Kết cấu một tin ngắn

Một tin ngắn có kết cấu hai phần

Phần một: Câu mở đầu chứa thông tin thời sự

Để xác định đâu là thông tin thời sự, có một kỹ năng vô cùng đơn giản. Bạn cần tự đặt cho mình câu hỏi sau đây: “đâu là thông tin mới?” Câu trả lời cho câu hỏi này phải gói gọn trong một câu. Cần viết câu đó theo kiểu khơi gợi sự chú ý, để thu hút thính giả.

Phần hai: Các thông tin bổ sung

Phần này tối thiểu là một câu, nhưng thường thì gồm hai hoặc ba câu đem lại một vài yếu tố cần thiết để hiểu được thông tin. Để chắc chắn là bạn không quên gì, hãy sử dụng quy tắc 5 W: Who When Where What Why ; trong tiếng Việt: Ai Khi nào Ở đâu Cái gì và Tại sao? Hãy nghĩ tới việc kiểm tra xem liệu tin ngắn của bạn có trả lời đầy đủ cả năm câu hỏi đó không.

Bài tập: lấy một tin ngắn do đồng nghiệp của bạn viết và hãy viết lại tin đó bằng cách gạch đi tất cả những từ mà bạn cho là không cần thiết. Chuyển tin ngắn đó cho một nhà báo khác và đề nghị anh ta viết lại tin đó. Anh ta cũng sẽ lại rút ngắn nó đi. Đó là điều diễn ra khi chuẩn bị bản tin tối. Nhà báo trực tối viết các tin ngắn từ các tin nhanh của các hãng thông tấn hay các phóng sự. Sáng hôm sau, người thực hiện bản tin xem chúng bằng một cái nhin mới mẻ và viết lại còn ngắn hơn nữa và gần như là dưới dạng hoàn hảo. Phát thanh là công việc làm theo ê-kip.

 

  1. THỨ TỰ TIN

Định nghĩa

Thứ tự là trật tự của các thông tin được người thực hiện bản tin sắp xếp. Anh ta phải xếp các thông tin khác nhau thành một trật tự nhất định, dựa theo tầm quan trọng của đề tài. Đó là công việc tổ chức và logic cho phép thính giả hiểu rõ và dễ theo dõi bản tin.

Xếp tin như thế nào?

Có nhiều phương pháp. Bằng kinh nghiệm, mỗi người thực hiện bản tin có kỹ thuật riêng của mình. Một kỹ thuật dễ áp dụng là kiểm tra từng thông tin theo ba tiêu chí.

  1. Thông tin có mới không

Tin càng mới thì càng được đưa lên đầu bản tin. Lý do chính là vì bản tin xử lý các vấn đề thời sự trong ngày, các sự kiện diễn ra ngay trong ngày hôm đó. Như thế để “bám” sự kiện, để rút ngắn khoảng cách giữa sự kiện và việc thuật lại sự kiện đó trong bản tin. Thính giả của bạn thích các sự kiện trong ngày, chứ không phải là sự kiện của ngày hôm qua hay của tuần trước. Lý do thứ hai, thông tin mới chính là một tiêu chí khách quan hiển nhiên. Ta có thể chọn lựa các thông tin theo trình tự thời gian mà không sợ sai lầm hay bị chỉ trích.

  1. Sự quan tâm của thính giả đối với thông tin

Bạn phải biết thính giả của mình là ai và những mối quan tâm của họ, biết công chúng mục tiêu mà mình đang nói cho họ nghe. Ví dụ: một đề tài đời thường, thuế má, thì nói được với tất cả mọi người.

  1. Tầm quan trọng của thông tin

Thông tin càng quan trọng, nó càng được đưa lên đầu bản tin. Để đánh giá tầm quan trọng của một đề tài một cách dễ dàng hơn, hãy dựa trên tôn chỉ của đài và hỏi ý kiến tổng biên tập.

Mở đầu bản tin

Công việc này đòi hỏi bạn phải chọn lựa: thông tin đầu tiên của bản tin – đề tài mở màn. Một khi đề tài đó đã được quyết định, bạn phải xếp phần còn lại của bản tin theo từng chương. Hãy tưởng tượng là đề tài mở màn của bạn là đề tài chính trị, tiếp theo đó bạn phải sắp xếp các tin chính trị còn lại của bản tin. Nếu tiếp theo nữa, bạn cho rằng đề tài kinh tế là quan trọng, thì hãy xếp tất cả các tin kinh tế, và cứ thế tiếp tục, cho đến khi tất cả các đề tài của bạn đã có chỗ đứng trong bản tin.

Ghi nhớ!

Gần, Hữu dụng, Mới và Thú vị. Đó là một khẩu hiệu của một đài phát thanh địa phương : Các bạn hãy nhớ “G-H-M-T!”

 

  1. TÍT CỦA BẢN TIN

Định nghĩa

Tít là các tin chính sẽ được phát triển trong bản tin. Người thực hiện bản tin chọn cách làm các tin này nổi bật bằng cách giới thiệu chúng ở đầu chương trình.

Tít dùng để làm gì?

Trong một bản tin nhanh thì không cần giật tít. Bởi vì bản tin nhanh là tập hợp các tin ngắn và bản tin chỉ dài từ hai đến ba phút. Trái lại, tít lại cần thiết cho một bản tin có độ dài từ 10 đến 15 phút. Chúng thông báo các đề tài chính để báo trước cho thính giả và khiến thính giả muốn nghe bản tin. Tít là thứ mà thính giả nghe được đầu tiên và nó thuyết phục thính giả hãy tiếp tục nghe đài. Các tít của bản tin đóng vai trò giống như câu đầu tiên của lời dẫn hoặc của một tin ngắn. Chúng đưa ra thông tin chính và thu hút sự chú ý của thính giả.

Chọn những đề tài nào để giật tít?

Ba hay bốn đề tài quan trọng nhất của bản tin. “Mở đầu”, đề tài đầu tiên, tiếp theo là hai hoặc ba đề tài quan trọng trong ngày. Nếu giật tít một tin độc đáo không thuộc hàng tin nóng thì cũng thú vị. Đôi khi, ta có thể giật tít cho đề tài xếp cuối bản tin, vì nó nhẹ nhàng.

Giật tít của bản tin nào?

Đơn thuần là vấn đề tiết tấu, tít được viết trong một hoặc hai câu. Câu đầu tiên thu hút thính giả bằng cách cung cấp thông tin. Câu thứ hai chỉ ra góc độ được chọn để xử lý thông tin đó.

Giật bao nhiêu tít?

Cần tối thiểu ba tít, nếu không bản tin có vẻ nghèo nàn đối với thính giả. Tối đa là năm tít, bởi lẽ cần chọn ra các tin chính. Tuyệt đối tránh việc giật tít cho tất cả các đề tài được phát triển trong bản tin.

Độ dài các tít của bản tin

Độ dài của tít thay đổi tuỳ theo độ dài của bản tin. Đối với một bản tin có độ dài kinh điển từ mười đến mười lăm phút, các tít phải có độ dài bốn mươi giây.

Khi nào thì viết tít?

Thông thường người thực hiện bản tin viết tít vào phút chót. Trong một bản tin thời sự, cần sẵn sàng thêm tin vào phút chót. Nếu tin đó chủ chốt, lẽ dĩ nhiên phải giật tít. Vậy tốt hơn cả hãy viết tít 30 phút trước khi lên sóng.

Làm thế nào để tít hấp dẫn thính giả?

Phải chọn tít thật kỹ và viết thật hay. Nhạc cắt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, cần có một nét nhạc cắt trước khi đọc tít và một nhạc chấm câu khi hết tít. Tít có thể được nhấn mạnh nhờ nhạc nền đem lại nhịp điệu và cường độ. Nhưng giọng của người thực hiện bản tin phải được nghe rõ và hiểu được.

  1. NHẠC CHO BẢN TIN

Trong phát thanh, mọị thứ hoặc hầu hết mọi thứ đều là âm nhạc, giọng của bạn, các âm thanh của các phóng sự, lời thính giả, khách mời, các phát biểu phỏng vấn, chuyện vui của người dẫn chương trình... Đó là nhịp điệu. Nhưng vì có nhiều loại âm thanh liên tiếp, tai ta cần các dấu mốc. Đó là lý do ta cần hệ thống nhạc cắt, nhạc nền. Nó đem lại sắc thái riêng cho đài của bạn và khiến đài của bạn khác với các đài khác. Khi nhạc hiệu bản tin vang lên, người ta tự nhủ : “Đến giờ rồi!” Nó xứng đáng được bạn quan tâm đặc biệt. Hệ thống nhạc này cũng được xử lý đặc biệt. Nó giúp nhận dạng đài của bạn.

Định nghĩa

Nhạc cho bản tin bao gồm các yếu tố âm thanh ngắn. Nó có hai chức năng: Quyến rũ và thu hút sự chú ý của thính giả. Khiến việc hiểu các thông tin dễ dàng hơn.

Đâu là những yếu tố của hệ thống nhạc cho bản tin?

Các loại nhạc cơ bản cho bản tin gồm có :

Nhạc cắt (các đoạn nhạc và âm thanh dùng để nhận dạng chương trình)

Nhạc chấm câu (Các chấm câu bằng âm thanh cực ngắn)

Nhạc nền (đoạn nhạc có nhịp điệu lặp đi lặp lại)

Sử dụng hệ thống nhạc cho bản tin như thế nào?

Nhạc cho bản tin được bố trí trong bản tin vào những thời điểm nhất định.

Mở đầu bản tin: Theo quy tắc, ta bố trí một nhạc cắt ngay trước bản tin. Nhạc cắt này thu hút sự chú ý của thính giả và thông báo với họ rằng đã đến giờ của bản tin thời sự.

Trong khi giật tít: ta phát một nhạc nền chạy dưới giọng của người đọc bản tin. Nhạc nền này tạo ra nhịp điệu dồn dập và thu hút thính giả. Tuy nhiên, cần lưu ý giọng nói vẫn phải hoàn toàn nghe rõ được và hiểu được.

Kết thúc tít: ta bố trí một nốt nhạc chấm câu tạo ra sự đứt đoạn và cho phép người đọc bản tin bắt đầu tin đầu tiên của mình.

Trong bản tin: ta dự kiến các nhạc cắt sau khi đọc xong các tin cùng loại. Ví dụ, nếu bạn bắt đầu bản tin bằng hai đề tài chính trị và sau đó bạn tiếp tục với hai đề tài kinh tế, thì bạn có thể cho một nhạc chấm câu vào cuối đề tài chính trị thứ hai. Nét nhạc chấm câu này thông báo rằng phần tin chính trị của bản tin đã kết thúc. Nó hướng sự chú ý của thính giả vào các đề tài kinh tế.

Kết thúc bản tin: một nhạc chấm câu cho thấy phần tin đã kết thúc. Nó có hiệu quả ngắt đoạn trong chương trình và cho phép ta chuyển sang phần tiếp theo của chương trình phát sóng.

 

  1. KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH

 Đây là giai đoạn cuối cùng trước khi lên sóng, cần nghĩ đến mọi thứ. Nếu sát giờ bản tin lắm rồi, bạn hãy nhờ người khác giúp. Bạn cần làm lần lượt các việc sau : sắp xếp các yếu tố của bản tin (phóng sự, tin sâu đã thu trước), xếp chúng theo thứ tự trong một hồ sơ nếu như bạn còn chưa làm việc đó. Và điều quan trọng nhất, bạn hãy viết kịch bản cụ thể cho kỹ thuật viên, để anh ta chỉ nhìn lướt qua là biết ngay bạn muốn gì. Đó chính là KỊCH BẢN CHƯƠNG TRÌNH.

Định nghĩa

Kịch bản chương trình là tài liệu do người thực hiện bản tin làm ra, giúp cho kỹ thuật viên phát bản tin hoặc chương trình theo đúng trình tự. Đó là tờ hướng dẫn phát sóng bản tin.

Khi nào soạn kịch bản chương trình?

Cần soạn kịch bản chương trình khi tất cả các tin bài đã được viết xong, sau khi các tin bài được sắp xếp, sau khi các file âm thanh đã được xác định và nhạc cắt nhạc nền đã sẵn sàng. Tờ kịch bản chương trình là văn bản cuối cùng được viết, trước khi lên sóng.

Viết kịch bản chương trình như thế nào?

Người sử dụng kịch bản chương trình là kỹ thuật viên thực hiện bản tin hoặc chương trình. Kịch bản chương trình do vậy phải chỉ rõ một cách đơn giản và cụ thể các thành tố khác nhau theo trình tự lên sóng. Nó có tính tổng hợp rất cao: tên gọi, thời gian, số liệu.

Tiếng động, tin sâu, lời dẫn, tin ngắn, nhạc cắt

Kịch bản chương trình cũng phải chỉ rõ các nguồn khác nhau mà kỹ thuật viên cần sử dụng: micro/Băng kỹ thuật số (MD)/điện thoại/CD/file âm thanh/ v.v.

 

Ví dụ về kịch bản bản tin 10 phút 

 

Nguồn

Nội dung

Độ dài

 

MD 1 tiếng động (TĐ) số 3

Nhạc cắt đầu bản tin

10 giây

 

Micro 1

Tít của bản tin (4 tít)

40 giây

 

MD 1 TĐ số 4

Nhạc chấm câu hết tít

2 giây

 

Micro 1

Lời dẫn vụ xét xử Mbandaka

15 giây

 

Điện thoại (02 36 54 28)

Paul K. điện thoại trực tiếp từ tòa án

1 phút

 

Micro 1

Chân bài (Kết bài) vụ xét xử

10 giây

 

Micro 1

Tin ngắn tai nạn tại Bukavu

20 giây

 

MD 1 TĐ số 5

Nhạc chấm câu

2 giây

 

Micro 1

Lời dẫn bài bầu cử tại Goma

20 giây

 

MD 2 TĐ số 1

Băng tiếng động bài bầu cử

56 giây

 

Micro 1

Tin ngắn MLC Gbadolite

15 giây

 

Micro 1

Lời dẫn tin sâu dịch tả tại Kalémie

20 giây

 

MD 2 TĐ số 2

Nicole L. Tin sâu về dịch tả

1 phút

 

MD 1 TĐ số 5

Nhạc chấm câu

2 giây

 

Micro 1

Lời dẫn Kabila

15 giây

 

Micro 2

Paul L. Tin sâu Kabila

1 phút

 

Micro 1

Tin ngắn bệnh viện

20 giây

 

Micro 1

Lời dẫn trường học ở Kananga

20 giây

 

MD 2 TĐ số 3

Tin sâu có tiếng động trường học ở Kananga

2 phút

 

Micro 1

Chào hết

30 giây

 

MD 1 TĐ số 6

Nhạc cắt hết bản tin

6 giây

  

Tổng độ dài:

10 phút 03

    

Bạn cũng có thể đề nghị cấp trên cho một kịch bản chương trình mẫu in sẵn và bạn sẽ điền vào đó các thành tố của bản tin. Rất cần thiết khi ta vội.

 

  1. BẢN TIN NHANH CHO PHÁT THANH

Flash, trong tiếng Anh, có nghĩa là tia chớp, như là flash trong máy ảnh. Đối với phát thanh, người Anh thích cụm từ news flash, có nghĩa là lướt nhanh các tin mới nhất. Thời sự luôn tiến triển theo dòng thời gian. Khi diễn ra các sự kiện lớn, tin tức thậm chí thay đổi hàng giờ. Bản tin nhanh cho phát thanh có chức năng cung cấp các thông tin mới cập nhật. Nó chỉ ra, thông báo chứ không phát triển tin đó. Đó là một bản tin-mini gồm các tin ngắn không giật tít (xem lại phiếu 12 – Tin ngắn).

Định nghĩa

Bản tin nhanh là một điểm hẹn thời sự, giống như bản tin vậy. Chức năng của nó là cung cấp tin tức cho thính giả. Tuy vậy có những sự khác biệt lớn giữa bản tin nhanh và bản tin phát thanh.

Độ dài của bản tin nhanh

Đặc thù đầu tiên : bản tin nhanh là điểm hẹn thời sự cực ngắn. Chính sự ngắn gọn đó khiến nó có tên là flash (bản tin nhanh). Một đài FM mới đây quảng cáo cho các bản tin nhanh của mình bằng cách nói họ tặng cho thính giả “Chuyến đi vòng quanh thế giới trong 90 giây”. Một bản tin nhanh có độ dài từ một đến ba phút.

Tần suất

Phần lớn các đài phát thanh có các bản tin nhanh phát hàng giờ. Phát nửa giờ một lần đối với các đài tin tức liên tục, thậm chí cứ 15 phút lại giật các tít chính. Đó là sự lựa chọn của đài, tùy thuộc vào khả năng của họ. Việc này đòi hỏi nhiều hơn hai nhà báo mỗi ngày ngồi sau màn hình để theo dõi các tin mới nhất, để giữ liên lạc với các phóng viên tại hiện trường…

Hình thức biên tập

Một bản tin nhanh chỉ gồm toàn tin ngắn. Cách thức duy nhất cho phép người thực hiện bản tin tạo nên tiết tấu là độ dài ngắn khác nhau của các tin ngắn. Một số tin tức được gói trong vòng năm giây, số khác có thể là ngoại lệ, vượt quá hai mươi giây. Một bản tin nhanh cho phép tối đa từ 6 đến 10 tin.

Nội dung biên tập

Vì bản tin nhanh rất ngắn, nó điểm qua tin thời sự. Chỉ những tin quan trọng nhất mới có vị trí trong bản tin nhanh. Cần đi vào cái chủ yếu. Không thể phát triển một đề tài, một phân tích hay làm một bình luận.

Sự kiện trước hết. Tin mới về những gì xảy ra. Nó mở đầu bản tin nhanh.

Một tin có lúc 9 giờ 45 phải có mặt trong bản tin nhanh lúc 10 giờ.

Cũng tin đó rất có thể không xuất hiện trong bản tin lúc 13 giờ, bởi vì nó không phải tin chủ yếu, nhưng lúc 10 giờ thì nó quan trọng.

Trong một bản tin nhanh, sau các tin chính ta cũng có thể :

Thông báo hồ sơ sẽ được phát triển trong bản tin trưa hoặc bản tin tối (quảng bá cho công việc của toà soạn)

Cung cấp các thông tin tiện ích: giao thông, thời tiết, thông báo về các cuộc họp, tóm tắt thông tri hành chính (có liên quan tới thính giả)

Cũng có thể phát một tin tiếng động cực ngắn hoặc một tin sâu tuỳ theo đánh giá của người thực hiện bản tin và tầm quan trọng của vấn đề thời sự

kết thúc bằng một thông báo về vở kịch, buổi hoà nhạc, hoặc một câu chuyện nhỏ nhẹ nhàng (để chuyển sang phần chuyên mục với một nụ cười).

  1. PHÓNG SỰ

Không có phóng sự thì không có nghề báo. Phóng sự là hành động nghề nghiệp đầu tiên, là hành động của người đi tìm thông tin ở đúng nơi mà nó có: đến hiện trường. Phóng viên là một nhà báo theo các sự kiện thời sự để chuyển chúng cho thính giả. Để làm việc đó, anh ta phải chuẩn bị cho việc đến hiện trường, tìm hiểu về đề tài, chuẩn bị trang thiết bị, chọn những người để phỏng vấn, chuẩn bị các góc độ xử lí đề tài.

Thái độ của phóng viên

Tại hiện trường, phóng viên phát huy sáng kiến, tìm kiếm những người đối thoại tốt, đặt các câu hỏi hay. Anh ta quan sát, ghi chép. Công cụ của phóng viên phát thanh là âm thanh. Anh ta biết ghi âm phỏng vấn, lấy tiếng động hiện trường, mang về các âm thanh có chất lượng tốt (phiếu 19).

Trước khi đi: Nắm vững đề tài

Đọc các tin nhanh, các thông cáo, các hồ sơ báo chí, các bài báo đã viết về đề tài. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ đề tài. Hãy kiểm tra các tên, các sự kiện, ngày tháng, con số để người đối thoại sắp tới của bạn sẽ thấy bạn là người làm việc nghiêm túc.

Xác định góc độ

Đi sâu vào (những) phương diện nào của đề tài? Làm rõ đề tài bằng cách nào để đề tài trở nên dễ hiểu ? Điều gì khiến thính giả của bạn quan tâm ? Bắt buộc phải tự đặt ra các câu hỏi đó trước khi đi. Các đồng nghiệp của bạn sẽ giúp bạn tìm thấy các góc độ hay trong cuộc họp tòa soạn.

Lên danh sách các câu hỏi

Đừng soạn trước phỏng vấn từng từ một, mà hãy chuẩn bị một dàn ý, vài ghi chép theo các góc độ mà bạn muốn khai thác, các thông tin mà bạn muốn có.

Kiểm tra thiết bị

pin, micro (hãy thử mic), chụp cản gió đầu micro, giải phóng thẻ nhớ, mang theo cả sào nếu cần ghi âm từ xa, tai nghe…

Tại hiện trường: Chọn người đối thoại tốt

Bạn sẽ chọn ai? Có hai loại người đối thoại cho mọi đề tài: Các nhân vật chủ chốt: những người liên quan trực tiếp đến sự kiện, họ sẽ kể, miêu tả, làm chứng.

Các chuyên gia: hiểu biết của họ về đề tài khiến họ trở nên đáng tin, họ có thể giải thích, phân tích, bình luận

Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được những người đối thoại. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt, bạn hãy hẹn trước. Hãy giải thích cho họ rằng bạn là nhà báo, bạn làm việc ở đài XXX… Hãy nói rõ rằng bạn muốn phỏng vấn họ. Hãy giải thích phỏng vấn sẽ được dùng như thế nào (trích đoạn, phỏng vấn được dựng lại…)

Trong quá trình làm phóng sự

Sau mỗi phỏng vấn, hãy kiểm tra chất lượng ghi âm. Hãy nghe lại các câu cuối cùng. Nếu chất lượng không tốt (ví dụ: tiếng gió, tiếng động cơ quá to kề bên…) hãy làm lại. Người đối thoại của bạn ở bên bạn. Anh ta sẽ hiểu, chỉ cần bạn giải thích cho anh ta.

Đừng để người đối thoại cầm micro

Chính bạn là người dẫn dắt cuộc phỏng vấn. Bạn cần theo dõi chất lượng âm thanh.

  1. GHI ÂM

Không có phát thanh nếu không có âm thanh tốt, không có chất lượng ghi âm tốt. Phóng viên đương nhiên không phải kỹ thuật viên, cũng không phải người chuyên thu âm, nhưng anh ta buộc phải biết một vài nguyên tắc. Hãy nghĩ tới thính giả của bạn. Vài người nghe bạn bằng những chiếc đài bán dẫn cổ lỗ yếu pin. Hãy hình dung ra người đó đang đi bộ trên phố với chiếc đài đầy tiếng kêu lạo xạo. Nếu âm thanh tồi, anh ta sẽ chẳng nghe thấy gì cả. Anh ta sẽ chuyển qua nghe đài khác.

Micro

Các đài phát thanh trang bị cho phóng viên của mình các micro toàn hướng, là các micro ghi lại mọi âm thanh. Đấy là những chiếc micro dễ sử dụng nhất. Chỉ cần đưa chúng lại gần hoặc bỏ chúng ra xa một nguồn âm thanh để thay đổi âm thanh. Ví dụ :

Khi phỏng vấn: chúng ta cần người đối thoại phải “hiện diện” để nghe cho rõ. Ta đưa micro vào gần miệng anh ta, cách 20 cm.

Nếu ta đưa micro vào gần quá, tiếng sẽ bị vỡ, đặc biệt là các âm “P” và “T”
Nếu ta đặt micro xa quá, giọng người đối thoại chỉ nghe được vừa đủ, tiếng bị yếu.

Bạn có thể có tiếng động yếu nếu như bạn không chỉnh máy đủ lớn khi ghi âm các tiếng động hiện trường (rất hữu ích cho phóng sự).

Bản thân bạn khi phỏng vấn phải ghi âm lại các câu hỏi của mình, khi dựng băng, một số câu hỏi sẽ được giữ lại… Hãy quay micro về phía mình, đảm bảo cách miệng 20cm. Nếu bạn để micro quá gần, tiếng sẽ bị vỡ, nếu để quá xa, tiếng bị yếu. Sẽ rất khó khắc phục.

Làm thế nào để có âm thanh tốt?

Trước khi đi: kiểm tra máy móc, thử micro, nghe lại, lấy tai nghe áp ngoài tai hoặc tai nghe trong, chụp đầu micro để cản gió.

Tại hiện trường: để điều chỉnh âm lượng của người đối thoại, hãy đề nghị anh ta tự giới thiệu về mình, về chức vụ, nói về thời tiết chẳng hạn.
Bạn giải thích cho anh ta hiểu vì sao: trong thời gian đó, bạn điều chỉnh âm lượng bằng cách nhìn vào bảng âm lượng trên máy ghi âm.

Trong lúc ghi âm: thường xuyên kiểm tra âm lượng.

Trước khi chia tay người đối thoại, nghe lại cuối hoặc đầu băng ghi âm để chắc chắn rằng bạn có âm thanh có chất lượng. Nếu chất lượng âm thanh kém, hãy làm lại và giải thích vì sao.

Đối với tiếng động hiện trường: hãy đeo tai nghe khi ghi âm và xem âm lượng.

TRÁNH DÙNG MÁY GHI ÂM CÁ NHÂN LOẠI NHỎ: đó là loại máy chỉ dùng để ghi chép trong phát thanh, âm thanh của nó còn tệ hơn âm thanh ghi bằng điện thoại.

 

  1. TIẾNG ĐỘNG

Tiếng động là một trích đoạn của một phỏng vấn. Nó tương ứng với một góc độ. Nó không phải là bản tóm tắt phỏng vấn. Sau lời dẫn, tự nó đứng độc lập, và trong lời dẫn ta đã chỉ ra tên, chức vụ của người trả lời phỏng vấn cũng như góc độ, câu hỏi mà người đó trả lời.

Dựng một tiếng động như thế nào?

Trước hết cần cắt riêng ra toàn bộ phần phỏng vấn tương ứng với góc độ đã chọn. Đoạn này có thể dài từ 2 đến 3 phút, thậm chí dài hơn.

Sau đó ta xem phần mở đầu có thể bắt đầu từ đâu, và xem phần kết thúc ở đâu.

Hãy chọn đoạn đó và copy nó sang một file dựng khác.

Lưu : cần lưu thành hai hồ sơ – một hồ sơ cho file âm thanh chưa xử lý, một hồ sơ cho file âm thanh đã dựng – và thường xuyên lưu chúng để tránh bị mất trắng phòng khi mất điện. Trong trường hợp dựng không tốt, ta vẫn còn băng gốc dự phòng, không bị thay đổi.

Thao tác cuối cùng: CẮT NGẮN ĐI. Thao tác này mất nhiều thời gian nhất. Trước tiên, ta loại các tiếng ậm ừ, các câu lặp lại. Trong đời thường, khi ta nói, ít khi ta nói đến đích ngay lập tức, có các đoạn lan man, tình tiết phụ. Khi cắt, bạn hãy loại bỏ các câu hỏi nếu chúng không đem lại thông tin gì hữu ích. Sau đó, bạn cắt tỉ mẩn để đạt tới format theo yêu cầu: 30”, 40”, 50”, 1 phút…

Một tiếng động tốt

Nó chỉ cắt ngắn câu trả lời của anh ta và khiến câu trả lời được cô đọng lại

Nếu bạn có nghi ngờ, đừng ngại cho đồng nghiệp hay tổng biên tập của bạn nghe

Sửa trước khi phát sóng bao giờ cũng tốt hơn

  1. TIN SÂU PHÁT THANH

Tin sâu phát thanh là một bài viết ngắn – tối đa 25 dòng. Độ dài của bài: dưới 1 phút. Đó là bài viết mà nhà báo viết ra và đọc bằng giọng của mình. Nó có thể được đọc trực tiếp hoặc thu trước. Khi phóng viên đi làm phóng sự, anh ta đọc bài qua điện thoại. Nhưng dù trong trường hợp nào, tin sâu có một kết cấu : mở bài, thân bài, phần kết. Một câu mở đầu, một câu kết. Nhất là nó không lặp lại những gì đã được nêu trong lời dẫn. Nó trả lời cho câu hỏi Thế nào/Tại sao?

Khi nào làm tin sâu

Hai nhân tố dẫn đến việc xử lý một đề tài dưới dạng tin sâu.

Tính cần thiết. Những người đối thoại của bạn từ chối ghi âm phỏng vấn, nhưng chấp nhận cung cấp thông tin cho bạn. Hoặc là bạn không tìm được người trả lời phỏng vấn, bạn không có nguồn tin bằng lời.

Sự lựa chọn biên tập. Đôi khi, viết một tin sâu hợp hơn là đưa một tiếng động. Ví dụ, bạn phải phân tích hoặc giải thích một đề tài phức tạp.

Các loại tin sâu khác nhau

Có hai loại “tin sâu”:

Tin sâu tại chỗ là tin sâu được viết ra mà không đi làm phóng sự. Nhà báo làm việc tại tòa soạn. Anh ta xử lý các thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau. Thông thường, anh ta sử dụng các tin nhanh của các hãng thông tấn, bài viết trên các báo, các tài liệu khác nhau. Nhà báo bổ sung các thông tin đó bằng cách tìm kiếm thông tin trên Internet và gọi điện thoại.

Tin sâu hiện trường là sản phẩm của phóng sự. Để thực hiện, phóng viên sẽ đi thu thập thông tin tại hiện trường. Anh ta quan sát, ghi chép, đặt các câu hỏi về đề tài mà anh ta quan tâm.

Trước khi viết một tin sâu

Trước tiên, hãy kiểm tra chắc chắn là bạn không thiếu một yếu tố nào, là bạn nắm rõ đề tài. Tiếp đó, bạn chọn lựa và sắp xếp chất liệu mà bạn đã thu thập. Bạn hãy tập trung vào góc độ mà bạn cần xử lý. Để làm điều đó, hãy loại bỏ mọi thứ không liên quan tới góc độ.

Hãy để riêng các thông tin giúp cho người thực hiện bản tin dẫn tin sâu của bạn, và hãy tự viết lời dẫn của bạn.

Hãy chuẩn bị trật tự các thông tin mà bạn sẽ viết : trật tự này phải logic, dễ hiểu đối với thính giả. Hãy chọn lựa kỹ càng thông tin đầu tiên và thông tin cuối cùng của bài, mở bài và kết bài.

Viết tin sâu

Để viết tin sâu, bạn hãy đọc lại các phiếu số 6 và 7, viết cho phát thanh. Hãy vừa viết vừa đọc nhẩm để có được giọng văn cho phát thanh.

Sau khi viết tin sâu

Hãy dàn trang bài viết. Hãy sử dụng cỡ chữ to (và giãn dòng 3 line). Hãy dàn trang bài viết theo ý nghĩa của nó. Hãy đánh dấu các chỗ thở. Một bài viết dàn trang tốt sẽ giúp bạn nói hay trên sóng.

Đừng quên khởi động miệng

Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần tin sâu của bạn trước khi vào phòng thu hoặc ghi âm, hãy nói to lên.

Nếu tin sâu của bạn là sản phẩm của việc làm phóng sự tại hiện trường, bạn hãy viết nó và tự nhủ: liệu mình có viết cái tin này giống như thế nếu ngồi tại tòa soạn và gọi điện thoại ? Nếu câu trả lời là có, bạn hãy viết lại!!!

  1. CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH TRONG PHÁT THANH

Phát thanh là một phương tiện thông tin đại chúng “nóng”. Nóng theo nghĩa là nó đưa thông tin nóng hổi, tươi mới khi sự kiện đang diễn ra. Nóng cũng có nghĩa là đó là một người đàn ông, một phụ nữ, đang nói với những người đàn ông, những phụ nữ, thanh niên, người trưởng thành hay người cao niên khác. Một giọng nói. Nhưng cần coi chừng việc nhanh quá. Ta không loan truyền tin đồn cũng không lan truyền những điều “người ta nói”; mọi thông tin đều phải được thẩm tra. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta việc không tôn trọng tính chính xác và tính khách quan có thể dẫn đến đâu.

Giọng điệu cho phát thanh

Chúng ta nói trong đời thường. Trong phát thanh, chúng ta nói chậm hơn. Nhưng chúng ta phải làm nảy sinh các hình ảnh, kể, miêu tả. Chúng ta phải sống động, chứ không phải là cái máy nói. Cần tìm một phong cách đơn giản phù hợp với bản thân mình. Chỉ bằng vài từ, một phóng viên có thể tả cho bạn một quảng trường trống nơi một đám đông vừa vội vã rời đi, và bạn như nhìn thấy cái quảng trường đó ! Có một phong cách riêng, sự hiện diện trên sóng, điều đó đòi hỏi phải không ngừng tự rèn luyện.

Tôn trọng mọi người

Nghề nghiệp của chúng ta là trao lời cho người khác, cho họ phát biểu. Công chúng có quyền được biết sự thật. Nhưng ai cũng có quyền được bảo vệ danh dự và bảo vệ đời tư. Tại châu Âu và Hoa Kỳ, có các đạo luật rất nghiêm ngặt xử phạt tội vu khống và thóa mạ người khác.

Tinh chính xác

Hãy kiểm tra tất cả. Khi tiếp cận nguồn tin thứ hai, hãy kiểm tra lại thông tin mà bạn nhận được từ nguồn tin đầu tiên. Nếu bạn còn nghi ngờ, hãy tiếp tục kiểm tra. Bạn nói trên sóng về các “sự kiện đã được xác nhận”. Hãy chính xác, đến từng từ một, đối với việc trích dẫn lời của một chính trị gia chẳng hạn.

Sự cân đối

Bạn hãy cố gắng đưa ra các quan điểm khác nhau, đặc biệt trong trường hợp một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế…

Sáng sủa

Phần lớn thính giả của bạn có những mối bận tâm đời thường. Ngôn ngữ của họ giản dị. Nếu thính giả của bạn không tài nào hiểu được bạn nói gì, thì toàn bộ công việc tìm kiếm thông tin của bạn trở thành vô ích.

Miễn bình luận

Bình luận là sự đánh giá từ phía bạn, là một quan điểm. Bạn không có vai trò làm điều đó. Bạn hãy tự bằng lòng với việc đưa sự kiện.

Bảo vệ nguồn tin

Để thông tin cho công chúng, cần tìm kiếm sự thật. Việc phổ biến một số thông tin tế nhị có thể làm phật ý một số người hay một số tổ chức nào đó. Để có thể công bố các thông tin tế nhị đó, đôi khi cần đảm bảo với những người phát biểu trên sóng rằng nhân thân của họ sẽ được giữ kín. Trong trường hợp đó, người ta nói rằng nhà báo phải “bảo vệ nguồn tin của mình”, có nghĩa là đảm bảo với những người cung cấp thông tin cho anh ta rằng việc họ làm được giữ bí mật tuyệt đối. Chú ý: cách làm này chỉ được sử dụng trong trường hợp ngoại lệ, trong những trường hợp cụ thể khi mà cách làm này là cách thức duy nhất để công bố một thông tin quan trọng.

Giữ liên lạc với tòa soạn của bạn

Điều đó có giá trị cả khi bạn đang trong vùng có xung đột cũng như trong thời bình. Tại đài của bạn, những người thực hiện bản tin, tổng biên tập cần biết bạn đang ở giai đoạn nào để chuẩn bị bản tin.

ads.txt

THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Điện thoại: 0243.201.1061/ 09046343880904153125
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 70
Trong tuần: 330
Lượt truy cập: 475877