VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Kỹ năng sản xuất chuơng trình phát thanh ở cơ sở (phần 1)

 

1608052075702

VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

KỸ NĂNG SẢN XUẤT

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH

Ở CƠ SỞ

 

(DÙNG CHO CÁC LỚP BỒI DƯỠNG

CÔNG TÁC THÔNG TIN CƠ SỞ)

 

 

  1. HỌP TÒA SOẠN

Làm báo là làm việc theo ê-kíp. Người (hay những người) thực hiện bản tin cần biết các phóng viên sẽ mang về sản phẩm gì. Các phóng viên cần biết tòa soạn đã chọn cách tiếp cận vấn đề dưới góc độ nào. Tổng biên tập cần biết huy động các nhân viên của mình và tổ chức công việc của tòa soạn. Cuộc họp tòa soạn chính là lúc mà tất cả mọi người gặp nhau và cùng nhau chọn lựa các đề tài trong ngày.

Thông thường các đài phát thanh có 3 cuộc họp tòa soạn mỗi ngày

Cuộc họp buổi sáng cũng là cuộc họp chính, diễn ra ngay sau bản tin sáng, là thời điểm để mọi người quyết định các đề tài trong ngày. Cuộc họp thứ hai diễn ra lúc đầu giờ chiều để điểm tình hình và có những điều chỉnh kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình. Cuộc họp cuối cùng diễn ra vào buổi tối, sau bản tin cuối cùng trong ngày và trước các chương trình ban đêm, để mọi người tập hợp các yếu tố và chuẩn bị cho các chương trình của sáng hôm sau.

Thời gian họp:

Một cuộc họp tòa soạn có thời gian hạn chế là 45 phút đến 1 giờ, để sau đó các phóng viên có thể đến hiện trường nhanh nhất và người thực hiện bản tin có thời gian chuẩn bị bản tin của mình.

Ví dụ: Họp tòa soạn buổi sáng

Giai đoạn một:

Những người thực hiện bản tin sáng phát biểu đầu tiên, để phân tích, phê bình các chủ đề của chương trình buổi sáng: các phóng sự liệu đã tốt chưa, liệu còn điều gì chưa đề cập, làm thế nào để “sửa chữa” lại và làm tốt hơn…?Tiếp theo đến lượt các nhà báo và tổng biên tập phát biểu để phân tích ngắn gọn. Tất cả kéo dài 10 phút, không tranh luận, không bàn cãi dài dòng vô ích.

Giai đoạn hai:

Mọi người lần lượt cho ý kiến: ý tưởng của các nhà báo và ý kiến của họ về vấn đề thời sự trong ngày. Đối chiếu với lịch làm việc trong ngày, xem cái gì là ưu tiên, cái gì sẽ phát triển sau.

Cuối cùng, cũng là thời gian dài nhất, dành để lựa chọn và tranh luận về các góc độ xử lý đề tài đã được chọn và hình thức xử lý thế nào (tin sâu, tiếng động, tin tiếng động, khách mời)…

Khi danh sách đã được chốt lại, tất cả mọi người đều có cái nhìn đầy đủ về những gì sẽ diễn ra và có thể đi làm phần việc của mình. Đối thoại, trao đổi khiến cả nhóm hăng hái hơn.

Hai cuộc họp toà soạn còn lại – buổi chiều và buổi tối – chủ yếu là nơi các ý kiến ngắn gọn được phát biểu lần lượt để cùng nhau điều chỉnh và tập hợp các yếu tố.

  1. TỪ NGỮ CHUYÊN NGÀNH PHÁT THANH

Một nhà báo phải làm chủ một số kỹ năng để có khả năng làm công việc của mình. Dù là một phóng viên xuất sắc cũng vẫn chưa đủ. Trước hết cần phải biết đặt công việc của mình trong công việc của cả ê-kíp. Đó được gọi là chia sẻ văn hóa nghề nghiệp.

Dưới đây là bảng từ vựng gồm khoảng một chục từ.

Sapô: Phần viết được người thực hiện bản tin đọc lên để dẫn vào một phóng sự. Sapô còn được gọi là lời dẫn

Chân bài: Phần viết được người thực hiện bản tin đọc lên sau khi đã phát phóng sự và nó dùng để kết thúc đề tài

Mở bài: Phần bắt đầu một đề tài

Phần kết: Kết thúc một đề tài

Mở đầu: Thông tin đầu tiên của bản tin

Mở đầu giả: Là từ được dùng khi thông tin đầu tiên sẽ không được nhắc lại trong nội dung bản tin

Tin ngắn: Thông tin không được phát triển dưới dạng một đề tài trọn vẹn

Tin sâu: Phóng sự được nhà báo viết nhưng không có các đoạn trích phỏng vấn trong đó

Tiếng động: Phóng sự được thực hiện dưới dạng trích phỏng vấn

Tin sâu có tiếng động: Phóng sự kết hợp cả tin sâu và tiếng động

Kịch bản chương trình: Văn bản do người thực hiện bản tin soạn ra để giúp cho kỹ thuật viên phát sóng bản tin

Những từ vựng này chỉ là ví dụ. Đối với nhiều người, những từ này thật khó hiểu. Đối với những người làm phát thanh, đây là những từ dùng hàng ngày, những thuật ngữ được chia sẻ này là một trong những dấu hiệu của một thứ văn hóa chung.

Đôi khi một cộng sự phải đối mặt với tình huống đặc biệt. Anh ta không biết phải quyết định thế nào. Trong trường hợp đó, chớ nên do dự, hãy nêu vấn đề đó với sếp của mình.

  1. GÓC ĐỘ

Phát thanh không thể nói tất cả, các bản tin bị khống chế thời gian, vậy cần phải chọn lựa. Khái niệm góc độ được áp dụng cho việc thực hiện phóng sự. Một nhà báo có thể làm nổi bật các khía cạnh hoặc góc độ khác nhau của một đề tài. Mỗi thông tin có thể được nắm bắt, trình bày, xem xét, nhìn nhận, dưới các góc độ khác nhau.

Góc độ - sự lựa chọn của báo chí

Ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cạnh tranh cũng xử lý các đề tài quan trọng. Về cùng một đề tài, mỗi người đều có thể nhận thấy các đài phát thanh cho ra các kết quả khác nhau. Tất cả đều tùy thuộc vào góc độ được chọn để xử lý đề tài. Nếu góc độ tốt, phóng sự sẽ gây hứng thú.

Việc chọn một góc độ tốt giúp giải quyết được vấn đề khống chế thời gian dành cho phóng sự của bạn. Không gì cấm bạn xử lý đề tài dưới hai góc độ khác nhau: đề xuất một góc độ cho bản tin tối và góc độ thứ hai cho bản tin sáng ngày hôm sau.

Thời điểm xác định góc độ của đề tài?

Thời điểm để chọn góc độ xử lý một đề tài là trong cuộc họp tòa soạn: ta sẽ xử lý từng đề tài như thế nào, điều gì khiến thính giả quan tâm trong đề tài này, những ai là đối tượng tốt để ta phỏng vấn? Cách tốt nhất để trả lời những câu hỏi này là thảo thuận cả nhóm trong cuộc họp tòa soạn buổi sáng.

Các ví dụ về góc độ

Hãy lấy một đề tài thời sự: một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra ở một khu phố trong thành phố của bạn, các ngôi nhà và cửa hàng kinh doanh bốc cháy. Dưới đây là một vài ví dụ về góc độ có thể thực hiện:

Góc độ thứ nhất: Cử phóng viên tới hiện trường, phóng viên sẽ gọi về khi bản tin đang phát để miêu tả đám cháy. Cách xử lý: một tin sâu được điện thoại trực tiếp về phòng thu.

Góc độ thứ hai: Làm bản tổng kết thiệt hại về người và của: bao nhiêu người chết, người bị thương, công tác cứu hộ được tổ chức thế nào, bao nhiêu con phố, nhà cửa bị ảnh hưởng, v.v. Cách xử lý: trích đoạn phỏng vấn một nhà chức trách.

Góc độ thứ ba: Giải thích điều gì đã diễn ra. Ngọn lửa bắt đầu khi nào và từ đâu? Vì lý do gì? Đây là vụ hoả hoạn có tính chất tội phạm hay chỉ là tai nạn? Cách xử lý: một tin sâu đọc tại phòng thu.

Ta có thể lựa chọn giữa vô vàn góc độ khác nhau. Ta có thể xử lý nhiều góc độ để có các phóng sự đa dạng trong các bản tin khác nhau. Nếu sự kiện vô cùng quan trọng, ta có thể dành cho nó nhiều góc độ trong một bản tin và làm thành một hồ sơ sự kiện.

Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các sự kiện, chính trị, văn hóa, kinh tế, thể thao (các tin sâu trước trận đấu, tin tiếng động trước trận đấu, tổng kết sau trận đấu, phỏng vấn các đấu thủ, huấn luyện viên, bài phân tích…)

  1. QUY TẮC 5 W

Trả lời 5 câu hỏi 5 W (trong tiếng Anh: What Who Where When Why, hay là: Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào, Tại sao?) trong mỗi một tin là quy tắc cơ bản, bất di bất dịch và bắt buộc của nghề báo. Không được thoả hiệp với bốn chữ W đầu tiên. Thính giả cần các "điểm đánh dấu": chuyện xảy ra ở đâu, khi nào, ai liên quan và điều gì đã diễn ra?

Cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày khi ta gặp một người bạn, ta kể cho bạn nghe những gì ta thấy: Ở đâu, Khi nào, Ai, Cái gì?….

Có lúc ta cần phải viết một tin bài mà không biết câu trả lời cho chữ W thứ 5, chữ Tại sao (Why) – hay là Như thế nào (How). Phân tích thông tin kỹ lưỡng hơn sẽ giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời này.

Các quy tắc vàng của nhà báo

Hãy nói một cách rõ ràng nhất có thể về nội dung sự việc. Luôn luôn xác định chủ ngữ của hành động. “Ngày khai trường đã bị hoãn” là một thông tin tồi; “Bộ trưởng Bộ giáo dục hoãn ngày khai trường” là một thông tin rõ ràng hơn. Luôn luôn nói sự việc diễn ra ở đâu. Luôn luôn nói một cách cụ thể khi nào sự kiện mà ta thuật lại đã diễn ra: sáng nay, ngày hôm nay, ngày hôm qua, cách đây hai ngày, tuần trước, ngày 10 tháng 1…

Bằng mọi cách, phải tìm được câu trả lời

Nếu ta không có các câu trả lời, cần làm mọi cách để tìm kiếm chúng. Một thông tin chỉ có giá trị nếu ta có các câu trả lời cho tối thiểu bốn câu hỏi cơ bản nêu trên. Một tổng biên tập giỏi phải dám vứt vào sọt rác mọi tin tức không trả lời được đầy đủ cho những câu hỏi này, và một nhà báo không bao giờ được làm một tin mà không có đủ câu trả lời cho các câu hỏi cơ bản đó. Chúng ta sử dụng chúng theo bản năng. Trong nghề báo, chúng phải trở thành PHẢN XẠ.

  1. NGUỒN TIN, LỰA CHỌN VÀ KIỂM CHỨNG THÔNG TIN

Các nguồn tin của nhà báo thì vô cùng nhiều: tin từ hãng thông tấn, báo chí, thông cáo, các phương tiện truyền thông đại chúng khác, TV hay phát thanh, và ngày nay, tất cả mọi thứ trên mạng Internet: blog, mạng xã hội, các trang thông tin. Ta có thể bổ sung vào danh sách này những nguồn tin riêng của nhà báo, các cú điện thoại từ thính giả, nhân chứng, thông tin từ các nhà báo khác, tư liệu của tòa soạn, thông tin mà ta nghe được từ đâu đó... Nhưng trong tất cả "mớ" thông tin ấy, ta cần phải biết chọn lọc và, trên hết, phải biết kiểm chứng...

Kiểm chứng hai lần, đó là quy tắc cơ bản. Dù cho quyền hạn thế nào, nhà báo có thể bị điều khiển, rơi vào tình trạng làm tuyên truyền hay làm quảng cáo. Nếu bạn lấy tin từ một tờ báo, thì cái tin đó phải thật chính xác và đã được kiểm chứng. Không bao giờ bạn được đọc nguyên cái tin đó trên làn sóng. Bạn cũng phải luôn trích dẫn tờ báo (nguồn: phương tiện thông tin đại chúng khác, v.v.)

Làm thế nào để kiểm chững thông tin?

Tin thời sự

Là những gì đang diễn ra, mới diễn ra, sắp diễn ra (thông báo). Đó là một sự kiện mới mà chúng ta chưa nghe nói tới. Cần đánh giá mỗi tin tức dựa trên quan điểm của thính giả. Xem sự kiện, tuyên bố liên quan hay ảnh hưởng tới họ thế nào.

Tin tạp chí

Là tin tức không hẳn là về một sự kiện cụ thể mà nó giải thích một vấn đề, một hiện trạng, mà ta có thể xử lý hôm qua, hôm nay, ngày mai, nhưng nó khiến thính giả quan tâm bởi vì họ chưa biết đến tin đó và bởi vì nó ảnh hưởng tới họ. Ví dụ bạn có thể thực hiện một điều tra về tình trạng phá rừng, sạt lở bở sông, các vụ tham ô… Đó là những đề tài hé lộ ra sau khi tiến hành một điều tra nhỏ.

Làm thế nào để chọn tin trong biển thông tin đến với chúng ta?

Sau đây là một vài tiêu chí:

Tính thời sự: tin tức phải mới mẻ. Một thông tin ít gây hứng thú nếu thính giả đã biết về thông tin đó ở chỗ khác rồi.

Sự gần gũi về địa lý: mọi người quan tâm đến chuyện xảy ra trong làng mình, ở nước mình hơn là những chuyện xa lắc xa lơ.

Sự gần gũi về lợi ích: mọi người nhạy cảm với những thông tin liên quan tới họ: giá cả, ngân sách, giá thực phẩm, tình trạng đường sá, thuế vận chuyển, học phí… Nhưng họ cũng nhạy cảm với những gì gắn với con người: chuyện lạ đó đây, hài hước, hồi hộp, bi kịch, thành công, chuyện trẻ em, người cao tuổi, ký ức, gương khuyết tật vượt khó…

Theo dõi tin tức: là công việc bắt buộc đối với một tòa soạn. Ta theo dõi tiến triển của một sự kiện, cho đến khi có kết luận. Ví dụ: một vụ mất điện nghiêm trọng. Bạn phải thông báo khi nào sửa được và sửa như thế nào. Một nguy cơ bệnh dịch: tiếp theo bạn phải nói xem liệu nguy cơ có thành hiện thực hay không, liệu các mối lo ngại có được giảm bớt không, liệu đã hết nguy hiểm hay chưa.

Tầm quan trọng: một thông tin quan trọng ảnh hưởng tới rất nhiều người, thay đổi cuộc sống thường ngày của họ, có ảnh hưởng trực tiếp tới họ: thiên tai, xung đột, bầu cử…

 

  1. VIẾT CHO PHÁT THANH

 

Phát thanh là một phương tiện thông tin đại chúng nhanh chóng, hướng đến tất cả mọi người, người có học thức cũng như người thất học. Do vậy, viết cho phát thanh phải đơn giản, ngắn gọn, ở thì hiện tại, rõ ràng... dễ nghe, dễ nhớ.
Quy tắc đầu tiên là hiểu thật rõ thông tin trước khi viết. Nếu ta không hiểu, ta sẽ viết tồi. Hiểu rõ để viết tốt, đó là khế ước cơ bản giữa nhà báo và công chúng của mình.

Bắt đầu bằng tin thời sự

Thính giả của bạn nghe bạn để biết được chuyện gì xảy ra, vậy nên cần phải bắt đầu mỗi tin của mình bằng thông tin mới mẻ nhất.

Thu hút sự chú ý của thính giả

Câu đầu tiên chứa thông tin mang tính thời sự, nhưng nó cũng phải thu hút sự chú ý của thính giả. Hãy làm cho văn của mình trở nên hấp dẫn thính giả, đặc biệt là phần mở đầu mỗi tin. Nếu bạn thu hút được thính giả, họ sẽ tiếp tục nghe bạn.

Sử dụng thì hiện tại

Bạn phải miêu tả các sự kiện vừa xảy ra hoặc vào lúc nó đang diễn ra. Thì hiện tại là thì được dùng để kể chuyện; nó thích hợp với việc xử lý tin thời sự.

Viết các câu ngắn

Thông tin thường phức tạp, thính giả của bạn không thể quay lại câu vừa phát sóng, họ phải hiểu ngay tức khắc. Hãy viết các câu của bạn theo mẫu: chủ ngữ/động từ/bổ ngữ. Bạn hãy hài lòng với việc mỗi câu chỉ viết một ý. Tránh các mệnh đề phụ, tốt hơn là nên đặt dấu chấm câu và bắt đầu một câu mới.

Hãy chính xác

Tin của bạn phải ngắn gọn, mỗi từ đều quan trọng. Vậy hãy sử dụng từ chính xác. Hãy chọn động từ thật kỹ. Bạn nên dè chừng các động từ “là” và “có”, là những động từ dùng đâu cũng được và không cụ thể.

Nêu sự kiện, không bình luận

Bạn lên sóng không phải để nêu ý kiến của mình. Hãy hài lòng với việc miêu tả sự việc và hãy để cho thính giả của bạn tự do đánh giá.

Hãy nói trước khi viết

Một bản tin phát thanh là một bài tập nói. Người thực hiện bản tin nói các thông tin. Hãy vừa viết tin vừa đọc thầm chúng. Khi bạn vấp một từ, hãy thay từ đó, vì bạn có thể sẽ bị vấp trên sóng. Khi bạn đã viết xong, hãy đọc to lên. Nếu kết quả không khiến bạn hài lòng, hãy sửa lại.

Hãy nói với thính giả

Bạn viết tin có một mình, khi nói vào micro, bạn không tiếp xúc với thính giả. Nhưng bạn hãy luôn tưởng tượng các thính giả của mình. Liệu họ có hiểu bạn nói gì không? Bạn hãy thử nói với một người nào đó. Nếu bạn viết theo cách đó, công chúng sẽ cảm nhận được là bạn đang nói với họ và họ sẽ nghe bản tin của bạn.

Miêu tả thông tin

Phát thanh là nghe. Một bài viết tốt sẽ tạo ra những hình ảnh trong đầu người nghe. Để đạt được kết quả này, hãy sử dụng lối viết đặc tả. Để chắc chắn là bạn không bỏ sót gì trong một thông tin, hãy sử dụng quy tắc 5 W. Và để miêu tả, bạn hãy nghĩ tới quy tắc 5 G – 5 Giác quan. Mọi thông tin đến với ta thông qua 5 giác quan. Hãy cho thính giả của bạn nhìn thấy, cảm nhận, sờ mó, nghe và nếm được thông tin.

(Còn tiếp)

ads.txt

THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Điện thoại: 0243.201.1061/ 09046343880904153125
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 8
Trong tuần: 349
Lượt truy cập: 499889