Chiều 25/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi). 

Cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu cho biết theo quy định hiện hành, người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tại dự thảo luật lại quy định: “Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin”.

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp, do vậy cần cân nhắc theo hướng thay vì quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông thì nên quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, không để lộ lọt thông tin cá nhân.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH.

Đề cập đến nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định, dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động dịch vụ viễn thông công ích một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chung chung.

Đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức, hoạt động, nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của quỹ còn chưa cụ thể, chưa đảm bảo chi tiết để có thể thực hiện hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối, điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, điều kiện đấu thầu, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối và điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối. Dự thảo luật có liệt kê các điều kiện cụ thể, và điều kiện cuối cùng là “các điều kiện khác”. Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung của “các điều kiện khác”. 

Nêu quan điểm về việc chuyển mạng nhưng vẫn giữ số, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc này.

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi người dân được hưởng. Tại Việt Nam, chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư 35/2017. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như sau: Các quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà mạng đưa ra rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng giữ số. Ngoài ra, các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất thực hiện chuyển mạng giữ số online, thủ tục vừa chậm, vừa mất công và không chính xác, thiếu minh bạch.

Đánh giá cao dự thảo Luật viễn thông sửa đổi lần này đã bổ sung quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số; song đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể để đảm bảo công khai minh bạch trong việc cấp giấy phép viễn thông nhằm tránh tiêu cực. 

Nhận định dự thảo Luật Viễn thông đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chỉ ra, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo luật đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, tuy nhiên trong thực tiễn, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, song các quy định bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Liên quan đến điều kiện về viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị xác định tần số vô tuyến điện là tài sản được đấu giá để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật về đấu giá, tần số vô tuyến điện./.

 
Vy Anh