VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THE INSTITUTE FOR THE APPLICATION OF INFORMATION AND COMMUNICATION TECHNOLOGY

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THEO CHỨNG NHẬN SỐ A-1888 CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP NGÀY 12/3/2018. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

23 triệu học sinh khai giảng năm học mới

Sáng 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 - năm học thứ tư của chương trình mới, trong thời tiết mát dịu ở hầu khắp đất nước.

Tại Hà Nội, đường phố nhộn nhịp từ 6h30 khi khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp đi khai giảng. Đây là địa phương có số học sinh và trường, lớp nhiều nhất cả nước.

Cổng trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, được trang hoàng rực rỡ với cổng bóng và hoa tươi. Trịnh Minh Khang, lớp 4A1, đạp xe từ nhà lúc 6h.

"Tối qua con ngủ chập chờn, một lúc lại thức dậy vì háo hức. Hôm nay con hát hai bài Tiếng trống trường em và Thầy cô cho em ước mơ", Khang nói, cho biết đã cùng các bạn trong đội văn nghệ tập luyện cả tuần trước. Em cũng tự tay bọc sách, dán nhãn vở, thích thú với bộ học liệu khoa học công nghệ, tự tháo ra và lắp ghép.

Học sinh trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, sáng 5/9. Ảnh: Bình Minh

Học sinh trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, sáng 5/9. Ảnh: Bình Minh

Còn ở trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thầy phó hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết khai giảng bắt đầu lúc 7h30, trong khoảng 45 phút, tinh thần là gọn nhẹ.

"Sau đó, học sinh học tiết hai như bình thường", thầy Phúc nói. Trường THCS Trần Duy Hưng tiếp tục đặt mục tiêu phát triển giáo dục mũi nhọn, tiên tiến trong năm học mới. Song, trường cũng đối mặt nỗi lo chung của ngành là làm thế nào tuyển giáo viên mới, đồng thời đảm bảo thu nhập cho thầy cô đang công tác.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết tình trạng thiếu giáo viên xảy ra cục bộ. Với khoảng 123.000 giáo viên, Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực hiện chương trình mới.

TP HCM năm nay có hơn 1,7 triệu trẻ mầm non, học sinh, tăng hơn 35.000 em so với năm trước. Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, hơn 1.800 học sinh của trường háo hức tham dự lễ khai giảng. Thời sáng nay mát mẻ, không mưa.

Học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM, sáng 5/9. Ảnh: Như Quỳnh

Học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM, sáng 5/9. Ảnh: Như Quỳnh

Còn ở THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, khai giảng sôi động với sự góp mặt của hai rapper được giới trẻ yêu thích là Ricky Star và Freaky.

Thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nói việc mời ca sĩ trẻ, tài năng, được học sinh yêu thích đến giao lưu là cách để tạo động lực, khích lệ học trò phấn đấu, phát huy tài năng, cá tính của mình.

"Nhà trường mong học sinh tận hưởng ngày khai giảng thật sự như ngày hội dành cho mình", thầy Phú nói.

Ở xã đảo duy nhất của TP HCM, trường Tiểu học Thạnh An đón hơn 260 học sinh đến khai giảng. Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng, cho biết phần lễ diễn ra ngắn gọn với điểm nhấn là phần đón học sinh lớp 1, dành thời gian cho phần hội với nhiều trò chơi như bắt cá, tô tranh, ném bóng.

Thầy trò trường Tiểu học Thạnh An dự khai giảng, sáng 5/9. Ảnh: Lệ Nguyễn

Thầy trò trường Tiểu học Thạnh An dự khai giảng, sáng 5/9. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ở Cà Mau, trời có mưa nhỏ nhưng nhiều em háo hức đến trường sớm. Tỉnh năm nay có hơn 214.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông.

Tại trường Tiểu học Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, hàng chục em ở những khu vực ven biển các ấp Bồ Cộ, Thuận Tạo, Thuận Thành đến trường bằng ghe, xuồng. Chị Nguyễn Thị Hằng, 37 tuổi, ở ấp Thuận Tạo, cho biết cả nhà thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đưa con lớp 9 và 4 đến trường. Nhà ở xa nên chị mất gần 50 phút lái xuồng.

"Hy vọng các con sẽ có một năm học nhiều niềm vui", chị Hằng nói.

Chị Hằng, huyện Đầm Dơi, lái xuồng đưa các con đến khai giảng, sáng 5/9. Ảnh: Chúc Ly

Chị Hằng, huyện Đầm Dơi, lái xuồng đưa các con đến khai giảng, sáng 5/9. Ảnh: Chúc Ly

Cũng trong không khí mát mẻ, TP Biên Hòa, Đồng Nai, người dân thành phố công nghiệp háo hức đưa con đến trường. Chị Kim Oanh, công nhân Công ty Changshin Việt Nam, tranh thủ dặn dò con gái Bảo Uyên rồi đến công ty để vào ca làm việc.

"Tôi mong năm học mới con gái có điều kiện học tập tốt hơn, chăm ngoan học giỏi", chị Oanh nói.

Năm nay, Đồng Nai có hơn 720.000 học sinh, tăng so với năm học trước khoảng 20.000 em. Tỉnh có thêm nhiều trường học mới, mở rộng, nâng cấp các trường cũ để đáp ứng việc dạy và học. Hiện tình hình cung cấp sách giáo khoa cho học sinh toàn tỉnh cơ bản hoàn thành, đặc biệt với sách theo chương trình mới với lớp 4, 8 và 11.

Chị Kim Oanh đưa con gái đến trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Biên Hoà, Đồng Nai dự khai giảng. Ảnh: Phước Tuấn

Chị Kim Oanh đưa con gái đến trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Biên Hoà, Đồng Nai dự khai giảng. Ảnh: Phước Tuấn

Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, học sinh mang theo những lá cờ đỏ sao vàng để vẫy chào năm học mới. Xung quanh, nhiều phụ huynh chụp ảnh, quay video làm kỷ niệm. Các trường học khác cũng rộn ràng từ sáng sớm.

Năm qua, Hải Phòng vào top địa phương có thành tích tốt nhất ở các kỳ thi Olympic quốc tế với huy chương vàng và bạc ở môn Toán. Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nói vậy, Hải Phòng sẽ không quá vui hay ảo tưởng mà quên đi những điều căn cốt nhất của giáo dục và đào tạo.

Ông cho rằng các các đơn vị, nhà trường cần tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Trong khi đó, Sở sẽ liên tục thanh tra, giám sát ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực nếu có. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc và Singapore.

Không khí khai giảng tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng. Ảnh: Lê Tân

Không khí khai giảng tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng. Ảnh: Lê Tân

Năm học trọng tâm của đổi mới giáo dục

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục triển khai sách giáo khoa và chương trình mới (2018) với lớp 4, 8, 11, chuẩn bị hoàn thành lộ trình này vào năm sau ở các lớp cuối cấp (5, 9, 12).

 

Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn. Đây là năm học trọng tâm của ngành giáo dục trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện.

Ngành giáo dục đối mặt với tình trạng thiếu hơn 118.000 giáo viên, trong khi khoảng 40.000 người nghỉ, bỏ việc ba năm qua và thu nhập với nghề giáo được cho là chưa tương xứng.

Một bộ hay nhiều bộ sách cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, dạy tích hợp là điểm "vướng, nghẽn, khó", theo đánh giá của Bộ trưởng Sơn. Ông cho biết "khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS".

Phương án chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần chốt sớm, khi lứa học sinh đầu tiên theo chương trình mới tốt nghiệp vào năm 2025. Các nhà trường, giáo viên và học sinh đều mong ngóng để có kế hoạch ôn tập cho kỳ thi và xét tuyển đại học.

Ở bậc mầm non, Bộ thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Ngoài ra, ông Sơn cho biết giáo dục thường xuyên cũng sẽ có một "phen đổi mới", từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá.

Người đứng đầu ngành giáo dục mong toàn thể các nhà giáo và các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
VIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Điện thoại: 0243.201.1061/ 09046343880904153125
Email: vien.iaict@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 5 - Số 7 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh  ☎️ 0927890588

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 38
Trong tuần: 366
Lượt truy cập: 501095